PHỤC HỒI, BẢO TỒN CÁC LOÀI CÂY GỖ NGUY CẤP Ở VIỆT NAM
Mất rừng, suy thoái rừng là một trong những nguy cơ làm giảm giá trị đa dạng sinh học, và cũng là nguyên nhân chính làm suy giảm quần thể, dẫn tới nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài bao gồm cả các loài cây gỗ. Trong số đó, một số loài gỗ có giá trị như cẩm lai (Dalbergia oliveri), trắc (D. cochinchinensis) và sưa (D. tonkinensis) là những loài đang có nguy cơ cao nhất do khai thác, buôn bán bất hợp pháp.
Trong các năm 2019, 2020 và 2021, được sự hỗ trợ của Chương trình Các loài cây gỗ của Ban Thư ký Công ước CITES, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (gọi tắt là CCD) đã thực hiện nhiều hoạt động điều tra thực địa để đánh giá quần thể tự nhiên của hai loài cẩm lai và trắc trên cả nước và tìm hiểu tình hình quản lý việc khai thác, buôn bán gỗ của hai loài này. Dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá, CCD đã hỗ trợ một số vườn quốc gia, khu bảo tồn lập kế hoạch giám sát, bảo tồn và phục hồi quần thể của chúng ở các vùng phân bố cũ. Ngoài ra, CCD cũng xây dựng tài liệu hướng dẫn nhận dạng hai loài Trắc và Cẩm lai để hỗ trợ Kiểm lâm, các cơ quan thực thi pháp luật thực hiện việc bảo vệ và quản lý buôn bán nhóm cây gỗ này hiệu quả hơn.
Trong tháng 12/2021, nhằm thúc đẩy các nỗ lực nghiên cứu, bảo vệ và phục hồi nhóm cây gỗ nguy cấp này và đồng thời nâng cao năng lực của các cơ quan Kiểm lâm, các vườn quốc gia, khu bảo tồn về vấn để bảo tồn các loài cây gỗ nguy cấp, CCD đã tổ chức khóa tập huấn “Lập kế hoạch điều tra, giám sát, phục hồi và bảo tồn các loài cây gỗ nguy cấp ở Việt Nam” tại Vườn quốc gia Cát Tiên.
Khóa tập huấn tập trung chia sẻ các thông tin về hiện trạng phân bố, tình hình khai thác, buôn bán các loài gỗ quý, đặc biệt là nhóm cẩm-trắc. Khóa tập huấn cũng chia sẻ phương pháp và cách xây dựng kế hoạch điều tra, giám sát thảm thực vật và quần thể các loài cây gỗ nguy cấp và cách tiếp cận mới trong việc bảo vệ, phục hồi nhóm cẩm-trắc ở các vùng phân bố thông qua các chương trình nhân giống, trồng bổ sung và khoanh nuôi, tái sinh tự nhiên.
Với các nỗ lực thúc đẩy các hoạt động bảo tồn thiên nhiên nói chung và bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp nói riêng, CCD đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ các khu bảo tồn, vườn quốc gia, các chủ rừng xây dựng kế hoạch quản lý và bảo tồn, nâng cao năng lực cho các bộ trong việc điều tra, giám sát phục hồi quần thể loài và quản lý vùng cảnh quan hiệu quả nhất. CCD luôn sẵn sàng hợp tác với các tổ chức, các doanh nghiệp, các chuyên gia nhằm thúc đẩy các nỗ lực bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, đa dạng sinh học và thúc đẩy các hoạt động phát triển bên vững ở Việt Nam.