preloader
THÚC ĐẨY SỐ HÓA TRONG QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ RỪNG TẠI TỈNH THANH HÓA
Ngôn ngữ :

THÚC ĐẨY SỐ HÓA TRONG QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ RỪNG TẠI TỈNH THANH HÓA

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên là vùng đầu nguồn sông Chu thuộc huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Khu bảo tồn được biết đến là một trong các khu vực có tính đa dạng sinh học cao và là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật đặc hữu, nguy cấp như Vượn bạc má (Nomascus leucogenys), Voọc xám (Trachypithecus phayrei), Mang pù hoạt (Muntiacus rooseveltorum); Sa mu dầu (Cunninghamia konishii); Vù hương (Cinnamomum balansae)… và nhiều loài động, thực vật quý hiếm khác. 

Là một khu bảo tồn có giá trị đa dạng sinh học cao bậc nhất ở các tỉnh phía Bắc, tuy nhiên Xuân Liên chỉ có 33 cán bộ gồm cả hành chính và cán bộ làm công tác bảo vệ rừng. Sự chênh lệch giữa số lượng cán bộ và diện tích rừng phải quản lý đang là một khó khăn không chỉ của Xuân Liên mà của nhiều ban quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ khác, do đó ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý giám sát rừng, đa dạng sinh học, và ngăn chặn vi phạm,…

Để hỗ trợ các ban quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và ứng dụng công nghệ trong việc giám sát rừng, đa dạng sinh học, và chuẩn hóa hệ thống tuần tra, báo cáo, bộ công cụ SMART và ứng dụng Giám sát rừng toàn cầu (GFW) đã được áp dụng cho ban quản lý khu bảo tồn Xuân Liên và Ban quản lý Rừng phòng hộ Thường Xuân và các nhóm tuần tra cộng đồng của hai ban quản lý. Việc áp dụng công cụ SMART và GFW sẽ giúp nâng cao hiệu quả tuần tra, thu thập và quản lý thông tin một cách đồng bộ giữa Kiểm lâm, Cán bộ bảo vệ rừng chuyên trách và các nhóm tuần tra cộng đồng. Từ đó giúp cho công tác lập kế hoạch quản lý các trạm, các tổ nhóm tuần tra rừng cộng đồng cũng như hoạt động quản lý thông tin và báo cáo trở nên dễ dàng hơn. 

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) đã phối hợp với Xuân Liên và Ban quản lý Rừng phòng hộ Thường Xuân tổ chức các khóa tập huấn về ứng dụng SMART và giới thiệu ứng dụng GFW trong tháng 3, 4 năm 2023. Các lớp tập huấn có sự tham gia của các tổ tuần tra cộng đồng từ 7 xã vùng đệm của Xuân Liên và cán bộ đến từ 6 trạm quản lý và bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Thường Xuân. Cũng trong chương trình hỗ trợ kỹ thuật này, CCD đã hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện mô hình dữ liệu SMART chuẩn cho Xuân Liên và Ban quản lý Rừng phòng hộ Thường Xuân. Các trạm kiểm lâm, tổ bảo vệ rừng chuyên trách và nhóm tuần tra cộng đồng cũng đã được trang bị máy tính bảng để hỗ trợ công tác thu thập dữ liệu trong quá trình tuần tra.

Để hỗ trợ triển khai hiệu quả, CCD sẽ tiếp tục các hoạt động tập huấn nhắc lại, hỗ trợ trợ các ban hoàn thiện mô hình dữ liệu, các mẫu báo cáo và tham gia tuần tra định kỳ với các trạm, nhóm tuần tra cộng đồng để hướng dẫn thu thập thông tin theo đúng quy trình tuần tra. Việc số hóa và áp dụng công nghệ cải thiện đáng kể công tác quản lý rừng, hệ thống báo cáo và nâng cao được việc quản lý công việc của các trạm, đội và nhóm tuần tra. CCD sẽ tiếp tục hỗ trợ các khu bảo tồn, ban quản lý rừng đặc dụng ở tỉnh Thanh Hóa và các khu trong cả nước để nâng cao năng lực quản lý , ứng dụng các công cụ tuần tra, giám sát hiệu quả, thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của cộng đồng trong nỗ lực bảo vệ rừng và đa dạng sinh học.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên
và Phát triển

Đăng ký nhận tin

© 2021 Tất cả bài viết bản quyền CCD.