Tập huấn Khôi phục rừng ngập mặn tại vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định
Trong tháng 8 năm 2020, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (CCD) phối hợp với các chuyên gia và cán bộ Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy đã triển khai lớp tập huấn cho cộng đồng về bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn. Các hoạt động này thuộc Dự án “Thích ứng và lựa chọn loài cây ngập mặn phù hợp cho khôi phục và bảo tồn rừng ngập mặn đã bị suy thoái ở VQG Xuân Thủy, tỉnh Nam Định”.
Hơn 30 hội viên Hội Phụ nữ, Hội chữ Thập đỏ xã Giao An (một trong 5 xã vùng đệm VQG Xuân Thủy) và các cán bộ địa phương đã tham gia tập huấn và thực hành trên thực địa. Với sự hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật của CCD, chuyên gia và VQG Xuân Thủy các học viên đã được truyền đạt kiến thức và thông tin về vai trò của rừng ngập mặn và những giá trị mà rừng ngập mặn mang lại cho cộng đồng và người dân địa phương. Đồng thời, các học viên lớp tập huấn cũng được các Giảng viên hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật ươm, trồng 2 loài cây Đước vòi (Rhizophora stylosa) và Bần chua (Sonneratia caseolaris) là các loài cây ngập mặn khác nhằm khôi phục rừng bị suy thoái ở một số khu vực trồng thử nghiệm tại VQG Xuân Thủy trên diện tích 1.000 m2. Giống cây Đước vòi (Rhizophora stylosa) và Bần chua (Sonneratia caseolaris) đã được nhóm nghiên cứu CCD thực hiện gieo, ươm từ tháng 9 năm 2019, và được lựa chọn cẩn thận trước khi đem trồng để đảm báo cây con có khả năng thích nghi với điều kiện tại khu vực trồng thử nghiệm.
Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu của CCD phối hợp với cộng đồng và VQG Xuân Thủy tiếp tục chăm sóc – bảo vệ, giám sát và đánh giá khả năng phát triển của các loài cây ngập mặn trồng trong mô hình thử nghiệm 3 tháng một lần để phục vụ đánh giá kết quả của dự án và là cơ sở để thực hiện các nỗ lực phục hồi và bảo tồn tiếp theo.