BẢO TỒN CÁC LOÀI CHIM HOANG DÃ VÀ CÁC SINH CẢNH TỰ NHIÊN Ở VÙNG BÃI SÔNG HỒNG, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Khu vực các bãi bồi, bãi giữa trên sông Hồng thuộc địa giới hành chính của thành phố Hà Nội có thể được xem là một trong các vùng sinh cảnh tự nhiên quan trọng nhất vùng đồng bằng sông Hồng. Dọc theo các vùng bãi bồi và các cồn, bãi giữa trên sông là các các chòm cây gỗ, vùng cỏ lau, sậy, và các rạch, lạch nước ven sông và ở các cồn trên sông tạo ra sự đa dạng về sinh cảnh trở thành vùng sống, nơi kiếm ăn và trú đông quan trọng của các loài định cư và các loài chim di cư trên tuyến đường bay Đông Á-Úc Châu.
Từ năm 2021 đến 2024, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) đã phối hợp với các đối tác thực hiện nhiều các hoạt động điều tra về thành phần loài, các đe dọa tới quần thể và sinh cảnh của chim hoang dã ở dọc theo các bãi, các cồn trên sông Hồng nhằm tìm hiểu và xác định các cơ hội bảo tồn và vùng sống của chúng. Ít nhất 232 loài chim, trong đó có 192 loài di cư, bao gồm cả các loài nguy cấp và cực kỳ nguy cấp đã được ghi nhận ở các bãi và cồn trên dọc sông đã khẳng định tầm quan trọng của các bãi ven và trên sông Hồng như một vùng chim quan trọng ở các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu, giám sát chim đã thực hiện cũng ghi nhận nhiều mối đe dọa mà các loài chim hoang dã đang gặp phải đó là các hoạt động săn, bẫy bắt chim vẫn diễn ra phố biến, đặc biệt là các hình thức giăng lưới mờ và dùng âm thanh dụ chim đến các điểm bẫy để bắt, đặc biệt vào mùa chim di cư (từ tháng 9 đến tháng 4 hàng năm). Thêm vào đó, việc xâm canh, và phá hủy các trảng cỏ, vùng lau, sậy để trồng các loài cây ăn quả như chuối, táo, ổi, và các cây hoa màu khác cũng làm suy giảm nghiêm trọng sinh cảnh tự nhiên của chim hoang dã cũng như các loài động, thực vật khác.
Hình 3: Lưới mờ giăng ở các vực nước để bắt chim vào mùa di cư trên các bãi
Hình 4: Loài Cực kỳ nguy cấp sẻ đồng ngực vàng (Emberiza aureola) bị chết do mắc lưới
Hình 5: Rất nhiều lưới và chim bị chết trong lưới bắt chim vào mùa di cư
Hình 6: Nhóm giám sát tại bãi Phú Cường, huyện Ba Vì
(©CCD/2024)
CCD đã và đang phối hợp và hỗ trợ với chi cục Kiểm lâm Hà Nội, và nhiều đối tác thực hiện các hoạt động giám sát và tuyên truyền bảo vệ chim hoang dã và sinh cảnh tự nhiên vùng bãi sông Hồng và các vùng rừng tự nhiên khác ở thành phố Hà Nội. Trong các nỗ lực tăng cường các biện pháp bảo vệ đó gồm có đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội lập khu bảo tồn chim hoang dã và các khu công viên thiên nhiên ở các vũng bãi, và cồn lớn trên sông nhằm tăng điện tích bảo tồn, tăng diện tích xanh cho thành phố, thúc đẩy các hoạt động giáo dục cho học sinh và các hoạt động trải nghiệm thiên nhiên, môi trường xanh cho công dân, và du khách của thủ đô.
Hình 7: Diều mướp (Circus melanoleucos) – một loài chim ăn thịt di cư ở vùng bãi sông Hồng
Hình 8: Mai Hoa (Amandava amandava) một loài chim đẹp, loài định cư của Việt Nam, được phát hiện tại vùng bãi sông Hồng
Hình 9: Chim cút vằn – (Turnix suscitator)
Hình 10: Hạc đen (Ciconia nigra) loài di cư hiện chỉ ghi nhận được ở vùng bãi sông Hồng
(©CCD/2024)