NGHIÊN CỨU VÀ BẢO TỒN CÁC LOÀI CU LI Ở RỪNG KIM BẢNG, TỈNH HÀ NAM
Hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi ở huyện Kim Bảng có diện tích hơn 3.000 ha, đây cũng là diện tích rừng tự nhiên duy nhất còn lại ở tỉnh Hà Nam. Rừng Kim Bảng cũng là nơi phân bố của quần thể Vọoc mông trắng (Trachypithecus delacouri) quan trọng thứ 2 và còn là sinh cảnh phân bố của nhiều loài linh trưởng nguy cấp, quý, hiếm, trong đó có các loài Cu li (Lorisidae spp.). Cu li cũng là nhóm linh trưởng đang đổi mặt với nguy cơ tuyệt chủng do mất nơi sống và săn bắt, nhưng chúng lại là nhóm ít được nghiên cứu và bảo vệ. Rừng Kim Bảng là nơi phân bố tự nhiên của hai loài Cu li lớn và Cu li nhỏ, tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá về hiện trạng quần thể và các mối đe dọa cho các loài này ở đây. Do đó, chưa có các hoạt động bảo tồn nào được thực hiện cho các loài linh trưởng nguy cấp này ở Kim Bảng.
Trong năm 2022 và 2023, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) đã phối hợp với Hạt kiểm lâm liên huyện Kim Bảng – Thanh Liêm thực hiện các hoạt động điều tra, nghiên cứu về hiện trạng quần thể và xác định các cơ hội bảo tồn các loài Cu li ở đây, kết quả nghiên cứu cũng giúp cơ quan kiểm lâm địa phương có được các thông tin cần thiết để lập các kế hoạch quản ly, bảo tồn các loài Cu li cũng như các giá trị đa dạng sinh học ở Kim Bảng. Hoạt động điều tra mới chỉ ghi nhận được loài Cu li nhỏ (Xanthonycticebus pygmaeus) ở một số khu vực trong rừng Kim Bảng. Thông tin về loài Cu li lớn (Nycticebus bengalensis) chỉ ghi nhận qua phỏng vấn, có thể loài Cu li lớn đã trở nên rất hiếm hoặc gần như không còn ghi nhận ở Kim Bảng cũng như các khu vực khác ở phía Bắc nơi mà CCD cũng có các hoạt động điều tra các loài linh trưởng và nhóm Cu li. Việc chưa ghi nhận được loài Cu li lớn ở Kim Bảng cũng như nhiều khu vực khác cho thấy tín hiệu đáng lo ngại về quẩn thể tự nhiên của loài Cu li lớn, do đó cần có thêm các nghiên cứu nhằm tìm hiều các nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm quần thể của loài này.
Hình 3: Cá thể Cu li nhỏ đầu tiên được ghi nhận
Hình 4: Cá thể Cu li nhỏ thứ hai được ghi nhận
(ảnh: CCD)
Trong thời gian tới, CCD tiếp tục phối hợp với Kim Bảng và địa phương khác để điều tra quần thể của các loài Cu li cũng như thực hiện các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho kiểm lâm, cán bộ của các khu bảo tồn về nghiên cứu, bảo tồn các loài linh trưởng và động vật hoang dã nguy cấp.