
Bảo tồn và phục hồi hệ thống rừng tự nhiên Việt Nam: Tầm nhìn và các giải pháp chính sách
Việt Nam có gần 10,3 triệu hecta rừng tự nhiên trên tổng số 14,6 triệu hecta rừng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2019). Nhìn theo tiêu chí diện tích và độ che phủ, dường như Việt Nam đã gần hồi phục được rừng về thời điểm 1943 – khi chúng ta có số liệu đầu tiên về rừng trên toàn quốc. Mặc dù độ che phủ được phục hồi, nhưng chất lượng rừng đã bị suy giảm, tính đa dạng thấp, chức năng sinh của thái rừng không còn được bảo toàn nguyên vẹn.
Năm 2020, Việt Nam phải hứng chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, bão lụt với thiệt hại nghiêm trọng cả về tài sản và nhân mạng. Đã có nhiều câu hỏi đặt ra về tại sao chức năng giảm nhẹ tác động thiên tai của rừng đã không giúp giảm thiểu được các tác hại trong khi độ che phủ đã được khôi phục. Trước bối cảnh đó, hơn lúc nào hết, giá trị phòng hộ của rừng tự nhiên lại được nêu ra như một giải pháp ứng phó và giảm thiểu quan trọng trong bối cảnh biến đối khí hậu và gia tăng của thiên tai cực đoan. Vì lẽ đó, Chính phủ đã đưa ra những sáng kiến và cam kết mạnh mẽ về bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên.
Trong bối cảnh đó, ngày 23/12/2020, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) và Hội Chủ rừng Việt Nam (VIFORA) đa phối hợp tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phục hồi hệ thống rừng tự nhiên Việt Nam: Tầm nhìn và các giải pháp chính sách” tại Hà Nội.

Tham gia hội thảo là hơn 130 đại diện đến từ các cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng, các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp, nhóm cộng đồng, các chuyên gia và các bên liên quan trong hoạt động bảo vệ và phục hồi rừng đã cùng chia sẻ, thảo luận và đề ra các giải pháp giúp bảo tồn và phục hồi rừng tự nhiên ở Việt Nam.

Hội thảo tập trung vào đánh giá các quy định hiện tại về quản lý, các trở ngại, các rảo cản về pháp lý, về kỹ thuật cũng như nguồn lực cho việc phục hồi và quản lý rừng tự nhiên. Đặc biệt, các cơ hội và sáng kiến giúp phục hồi, huy động nguồn lực hiệu quả hơn để đạt được mục tiêu này cũng được đưa ra thảo luận, một trong số đó là các sáng kiến mới về huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ các hoạt động bảo vệ, trồng và phục hồi rừng ở các địa phương của các Quỹ, các nhóm cộng đồng, doanh nghiệp xã hội, v.v..

Hội thảo là một trong những sự kiện đầu tiên bàn về định hướng phục hồi rừng sau khi Chính phủ nêu sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai. Hội thảo cũng được tổ chức và điều hành như một diễn đàn mở, tạo cơ hội cho các bên liên quan cùng thảo luận, chia sẻ hoạt động, kinh nghiệm của mình, đồng thời đưa ra khuyến nghị về xây dựng/hoàn thiện chính sách, hướng dẫn kỹ thuật và huy động nguồn lực cho việc bảo tồn, phục hồi nhằm nâng cao chất lượng, diện tích rừng tự nhiên Việt Nam.
