Bảo tồn Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys) ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt
Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys) là một trong những loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Vượn đen má trắng được xếp vào nhóm I trong danh mục động vật rừng nguy cấp, nhóm nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và nhóm cực kỳ nguy cấp trong Danh lục Đỏ của IUCN (CR). Khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt có diện tích hơn 85.000 ha là vùng rừng liền giải với Khu bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên tạo nên một vùng sinh cảnh lớn và cũng là khu vực rừng tự nhiên liền giải lớn nhất ở phía Bắc. Pù Hoạt và Xuân Liên được xác định là khu vực bảo tồn quan trọng nhất của loài vượn đen má trắng.
Trong chương trình bảo tồn các loài nguy cấp của Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD), nhóm nghiên cứu của Trung tâm đã phối hợp với Pù Hoạt thực hiện điều tra sơ bộ về phân bố của vượn ở trong khu bảo tồn từ ngày 14 tháng 5 đến ngày 16 tháng 6 năm 2019. Hoạt động nghiên cứu cũng nhằm tìm hiểu nhận thức và thái độ của cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên và bảo tồn vượn ở Pù Hoạt. Kết quả điều tra khẳng định Pù Hoạt là một trong những khu vực bảo tồn quan trọng nhất của loài vượn đen má trắng, tuy nhiên quần thể vượn vẫn đang bị đe dọa bởi săn bắn và nuôi giữ bất hợp pháp, sinh cảnh của chúng vẫn bị tác động mạnh bởi các hoạt động khai thác gỗ, vùng sống bị thu hẹp hoặc chia cắt do việc xây mới các thủy điện ở trong khu vực.
CCD đang hỗ trợ các Khu bảo tồn Xuân Liên và Pù Hoạt nâng cao năng lực của cán bộ và của cộng đồng thông qua việc thực hiện các hoạt động truyền thông, điều tra nghiên cứu về loài nguy cấp có sự tham gia của cộng đồng trong đó ưu tiên cho các vượn đen má trắng, culy và loài nguy cấp khác ở trong khu bảo tồn.