Giá trị của vùng cảnh quan Xuân liên – Pù Hoạt đối với công tác bảo tồn loài Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys) ở Việt Nam
Chương trình giám sát và bảo tồn loài Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys) tại Việt Nam được Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (CCD) thực hiện tập trung ở Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Xuân Liên của tỉnh Thanh Hóa và KBTTN Pù Hoạt (bao gồm cả diện tích rừng phòng hộ) của tỉnh Nghệ An, là một chương trình dài hạn nhằm bảo vệ, theo dõi biến động và thúc đẩy phục hồi quần thể loài vượn cực kỳ nguy cấp (CR) này ở các vùng phân bố cũ của chúng.
Trong tháng 5 và tháng 6 năm 2020, các cán bộ của CCD đã tiến hành khảo sát ở khu vực giáp ranh giữa KBTTN Xuân Liên và rừng phòng hộ Pù Hoạt liền kề. Kết quả là đã ghi nhận được 62 đàn với 142 cá thể, trong đó:
- Khu vực rừng phòng hộ thuộc KBTTN Pù Hoạt có 40 đàn với 85 cá thể. Đây là những ghi nhận chi tiết và nhiều nhất đối với quần thể vượn đen má trắng ở khu vực này.
- KBTTN Xuân Liên (giám sát tại các điểm nghe (LP) cố định: LP5, LP13 và một phần LP15) có ít nhất 22 đàn với khoảng 57 cá thể. So sánh với số liệu điều tra gốc giai đoạn 2011-2012 trong cùng khu vực giám sát là 15 đàn và 47 cá thể (Nguyễn và cs. 2012), số lượng đàn và cá thể vượn ghi nhận sau gần 10 năm đã tăng thêm khoảng 07 đàn và 10 cá thể.
Trong đợt điều tra này, nhóm điều tra cũng đã chụp ảnh và quay phim được 02 đàn Vượn đen má trắng đang đi ăn, gồm: một đàn có 03 cá thể (01 cá thể đực, 01 cá thể cái, 01 con non) ở bên phía Pù Hoạt và một đàn có 04 cá thể (01 cá thể đực, 01 cá thể cái, 02 cá thể bán trưởng thành) ở phía Xuân Liên. Đây là một trong những hình ảnh và videos đầu tiên về loài này ở ngoài thiên nhiên tại Việt Nam.
Kết quả điều tra này một lần nữa khẳng định vùng bảo tồn Xuân Liên và Pù Hoạt là khu vực phân bố và là nơi bảo tồn quan trọng nhất cho loài Vượn đen má trắng ở Việt Nam. Do đó, các nỗ lực bảo tồn cần tiếp tục được thực hiện ở đây nhằm bảo vệ và phục hồi được quần thể của loài Vượn đen má trắng cực kỳ nguy cấp này.
CCD cam kết tiếp tục các nỗ lực bảo tồn lâu dài cho các loài vượn mào (Nomascus), đặc biệt là Vượn đen má trắng và Vượn Cao Vít ở Việt Nam thông qua việc tăng cường các hoạt động điều tra và giám sát quần thể, nghiên cứu sinh thái và tập tính, nâng cao năng lực cho các bên có liên quan.