preloader
ĐỀ XUẤT KẾ HOẠCH QUẢN LÝ VÀ BẢO TỒN HAI LOÀI CẨM LAI VÀ TRẮC QUÝ, HIẾM Ở VIỆT NAM

ĐỀ XUẤT KẾ HOẠCH QUẢN LÝ VÀ BẢO TỒN HAI LOÀI CẨM LAI VÀ TRẮC QUÝ, HIẾM Ở VIỆT NAM

Việt Nam được coi là một trong 25 nước có tính đa dạng sinh học cao nhất thế giới với khoảng 20.000 loài thực vật, 3.000 loài cá, hơn 1.000 loài chim và hơn 300 loài thú (Loc et al., 2018)*. Tuy nhiên, nhiều loài động vật và thực vật hoang dã ở Việt Nam hiện đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do khai thác quá mức, mất sinh cảnh sống, cháy rừng, ô nhiễm môi trường, thiên tai và biến đổi khí hậu, sự xâm lấn của các loài ngoại lai xâm hại (Loc et al., 2018).

Trong số các loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao phải kể đến hai loài trắc (Dalbergia cochinchinensis) và cẩm lai (Dalbergia oliveri). Đây là hai loài thực vật thuộc nhóm gỗ quý đã và đang bị khai thác quá mức do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, đặc biệt là việc xuất khẩu đi các thị trường gỗ cao cấp ở Đông Á. Việc khai thác và mua bán cả hai loài này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở tất cả các vùng phân bố tự nhiên của chúng  trên thế giới.

Với sự hỗ trợ của Uỷ ban Châu Âu và  Ban thư ký CITES, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) đã thực hiện chương trình nghiên cứu và bảo tồn trắc và cẩm lai ở Việt Nam trong ba năm 2019, 2020 và 2021. Các hoạt động của chương trình bao gồm: đánh giá về phân loại, điều tra phân bố và số lượng quần thể ngoài tự nhiên, đánh giá các mối đe doạ, lập bản đồ phân bố, xây dựng tài liệu và ứng dụng nhận dạng loài, xây dựng báo cáo đánh giá không tổn hại (NDF) và xây dựng kế hoạch quản lý và bảo tồn. Kế hoạch quản lý và bảo tồn cẩm lai và trắc được CCD đề xuất sẽ giúp quản lý và bảo vệ hiệu quả các quần thể trắc và cẩm lai hiện có ngoài tự nhiên, phục hồi thành công các quần thể trắc và cẩm lai ở những vùng phân bố trước kia của chúng và đưa hai loài này vào trong các chương trình trồng, phục hồi rừng ở Việt Nam như những loài cây bản địa khác.

Trong thời gian tới, CCD sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên là những vùng phân bố tự nhiên của các loài cẩm lai, trắc để thúc đẩy các hoạt động bảo tồn, phục hồi và phát triển các loài cây gỗ quý hiếm này.

Tin tức về đề xuất kế hoạch quản lý và bảo tồn cho hai loài này (tiếng Anh) có thể được tìm thấy ở link: https://cites.org/eng/news/viet-nam-considers-conservation-plan-two-valuable-tree-species

(*) Loc, P. K., Yen, M. D., & Averyanov, L. (2018). Biodiversity in Vietnam. Global Biodiversity, 1, 473–502. https://doi.org/10.1201/9780429487743-14

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên
và Phát triển

Đăng ký nhận tin

© 2021 Tất cả bài viết bản quyền CCD.