
Điều tra quần thể Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) ở rừng Đặc dụng – Phòng hộ Hương Sơn, Hà Nội và Rừng Phòng hộ Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình
Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) là loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam. Do áp lực từ săn bắn và mất sinh cảnh sống, số lượng của chúng đã liên tục suy giảm đến mức cực kỳ nguy cấp và có nguy cơ bị tuyệt chủng nếu không có các biện pháp bảo tồn mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, chỉ có 2 quần thể Voọc mông trắng khả sinh ở Vân Long, Ninh Bình và ở Kim Bảng, Hà Nam. Mặc dù vậy, nhiều khu vực phân bố quan trọng khác của Voọc mông trắng chưa được điều tra và nghiên cứu rõ ràng như ở vùng rừng trên núi đá vôi thuốc rừng Đặc dụng – Phòng Hộ Hương Sơn, Hà Nội và Rừng phòng hộ Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.
Trong chương trình giám sát và bảo tồn các loài linh trưởng nguy cấp của Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) đã phối hợp cùng hạt Kiểm lâm Lạc Thủy và Ban quản lý Rừng Đặc dụng – Phòng hộ Hương Sơn điều tra quần thể Voọc mông trắng trong tháng 05 năm 2021. Khu vực điều tra là vùng rừng giáp ranh và liền rải qua ba tỉnh Hà Nội, Hòa Bình và Hà Nam. Đây là khu vực rừng trên núi đá vôi đã từng ghi nhận Voọc mông trắng và hiện vẫn còn thông tin về hoạt động của một số đàn nhỏ cần được điều tra, kiểm chứng nhằm có các hoạt động bảo vệ và lập kế hoạch bảo tồn phù hợp.
Qua thời gian điều tra tập trung ở khu vực nghiên cứu, nhóm chuyên gia của CCD đã ghi nhận được ít nhất 02 cá thể Voọc mông trắng. So sánh với các dữ liệu trước đây cho thấy đàn Voọc được ghi nhận trong chuyến điều tra này cũng chính là đàn được ghi nhận năm 2016 (Lê Văn Dũng, 2016). Tuy nhiên, số cá thể ghi nhận được giảm từ 04 cá thể (2016) xuống chỉ còn 02 cá thể (2021). Nhóm chuyên gia cũng ghi nhận nhiều thông tin về các tác động của con người đối với động vật hoang dã và tài nguyên thiên nhiên ở khu vực, ví dụ như các lán đi săn, các dấu vết khai thác gỗ và bẫy động vật trong rừng, các diện tích xâm canh vào rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Kết quả điều tra khẳng định vẫn còn một quần thể Voọc mông trắng nhỏ đang tồn tại ở khu vực giáp ranh giữa rừng Đặc dụng – Phòng Hộ Hương Sơn, Hà Nội và Rừng phòng hộ Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Khu vực sinh sống của quần thể Voọc này vẫn đang phải chịu áp lực trực tiếp từ các hoạt động săn bắn và khai thác tài nguyên và xâm canh trong rừng phòng hộ, đặc dụng. Kết quả điều tra cũng là cơ sở khoa học quan trọng để Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển đưa ra các đề xuất với chính quyền địa phương và các Ban quản lý rừng rừng Đặc dụng – Phòng Hộ Hương Sơn, Hà Nội và Rừng phòng hộ Lạc Thủy, Hòa Bình và các bên liên quan nhằm tăng cường các hoạt động bảo vệ, giám sát và nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn loài Voọc mông trắng và các giá trị đa dạng sinh học khác ở khu vực nêu trên.
CCD sẽ tiếp tục các hoạt động nghiên cứu, giám sát cho các quần thể Voọc mông trắng ở các vùng phân bố của chúng nhằm thúc đẩy các hoạt động bảo vệ và bảo tồn hiệu quả hơn cho loài linh trưởng đặc hữu và nguy cấp này.

