
GIẢI CỨU SAO LA KHỎI BỜ VỰC TUYỆT CHỦNG
Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) được các nhà khoa học phát hiện lần đầu tiên vào năm 1992 tại Việt Nam, và được là một trong các phát hiện về thú lớn quan trọng của thế kỷ XX. Tuy nhiên, đây cũng là loài thú lớn được biết đến ít nhất do chúng có quần thể nhỏ, phân bố hẹp ở khu vực Bắc và Trung Trường Sơn của Việt Nam và Nam Lào. Thêm vào đó, săn, bẫy và mất rừng là nguyên nhân quan trọng nhất làm loài thú móng guốc này bị suy giảm quần thể một cách nghiêm trọng. Do đó, từ năm 1995 cho tới nay, rất ít các cá thể sao la được ghi nhận ngoài tự nhiên, mặc dù nhiều nỗ lực nghiên cứu đã được thực hiện trên tất cả các vùng phân bố của chúng. Nhiều kế hoạch bảo tồn tích cực cho saola đã được dự kiến, tuy nhiên ưu tiên cao nhất vẫn dành cho việc đánh giá được một cách chính xác quần thể sao la hiện tại và nơi phân bố chính của chúng, từ đó sẽ đưa ra các kế hoạch bảo tồn mạnh mẽ và phù hợp nhất.

Với mục đích nghiên cứu sâu hơn để hiểu và có những biện pháp bảo tồn quyết liệt cho loài động vật đặc biệt quý hiếm này, Dự án “Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng” do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ thông qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đã được ưu tiên thực hiện tại các khu vực được đánh giá là vùng phân bố chính cũng như nơi có tiềm năng ghi nhận sao la. Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển là một trong các đối tác tham gia thực hiện dự án, tập trung vào các hoạt động tìm kiếm saola trên thực địa.



Hình 2. Thu mẫu nước
Hình 3. Thu mẫu Vắt
Hình 4. Đặt máy bẫy ảnh
(©CCD/2024)
Trong thời gian 8 tháng của năm 2023-2024, nhóm chuyên gia của CCD đã thực hiện 3 đợt điều tra sao la ở 3 các khu vực ưu tiên vùng Bắc Trường Sơn với tổng 1.700 giờ nghiên cứu trên thực địa và hơn 691.200 giờ điều tra bằng máy bẫy ảnh trên hiện trường, nhóm cũng thu nhiều mẫu eDNA và mẫu nghiên cứu khác để phân tích nhằm bổ trợ cho việc xác định sự tồn tại của sao la ở các khu vực nghiên cứu.
CCD tiếp tục các chương trình bảo tồn dài hạn đối với các loài động, thực vật và các vùng sinh cảnh bị đe dọa trong cả nước cũng như khu vực Đông Dương. Để thực hiện hiệu quả các nỗ lực đó, CCD sẽ tích cực mở rộng các hoạt động hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước và các địa phương nhằm bảo tồn, phục hồi hiệu quả thiên nhiên và các loài động, thực vật hoang dã.