HỘI THẢO RÀ SOÁT TÌNH TRẠNG BẢO TỒN CỦA CÁC LOÀI THÚ TRONG SÁCH ĐỎ VIỆT NAM
Ngày 9 – 10 tháng 1 năm 2023, tại Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, tỉnh Ninh Bình, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) phối hợp với Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (IEBR) tổ chức cuộc họp kỹ thuật rà soát thông tin về các loài thú (Mammalia) để cập nhận tình trạng bảo tồn trong sách đỏ được xuất bản trong năm 2023. Hội thảo được sự tài trợ bởi Quỹ Bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam (CV) và Re:Wild.
HộiHội thảo với sự tham gia hơn 30 nhà khoa học, chuyên gia đến từ CCD, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam (SVW), Mạng lưới Giám sát Buôn bán Động, thực vật hoang dã (TRAFFIC), Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), Đại học Huế, Đại học Duy Tân, Viện Sinh thái học miền Nam, Viện Sinh học Nhiệt đới, Vụ quản lý rừng Đặc dung, Phòng hộ, và các tổ chức nghiên cứu và bảo tồn trong nước cùng các chuyên gia động vật và bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.
Trong bối cảnh thiên nhiên và đa dạng sinh học ở Việt Nam đang chịu nhiều các áp lực dẫn đến sự suy thoái quần thể và sự tuyệt chủng của các loài. Hơn thế, sách đỏ Việt Nam đã được xuất bản từ năm 2007 nên việc tu chỉnh, cập nhật tình trạng của các loài là rất cần thiết, nhằm phản ánh đúng thực tế biến động của của thiên nhiên và hiện trạng quần thể của các loài nhằm đưa ra các cảnh báo cho công tác quản lý, bảo tồn và thực thi pháp luật. Trong Sách đỏ Việt Nam 2007 có 407 loài động vật được đánh giá và xếp hạng bảo tồn với các mức đe dọa khác nhau từ DD (Thiếu dẫn liệu), Ít nguy cấp (LR), Sẽ nguy cấp (VU), Nguy cấp (EN), Rất nguy cấp (CR), Tuyệt chủng ngoài thiên nhiên (EW), Tuyệt chủng (EX).
Trong lần rà soát cập nhật này có hơn 100 loài Thú trên cạn đã được rà soát cập nhật và xếp hạng, trong đó có nhiều loài đã được nâng lên mức Nguy cấp (EN) và Cực kỳ nguy cấp (CR) so với Sách đỏ năm 2007. Sự thay đổi về phân hạng bảo tồn cho thấy các tác động đến thiên nhiên và các loài động vật hoang dã vẫn chưa giảm. Đối với nhiều loài, các mối đe dọa còn có chiều hướng gia tăng.
Hình 1: TS. Hà Thăng Long chia sẻ tại cuộc họp;
Hình 2: Bà Andie Ang, chuyên gia bảo tồn loài của IUCN chia sẻ tại cuộc họp
Việc cập nhật rà soát Sách đỏ Việt Nam 2007 sẽ góp phần rất lớn vào việc đánh cảnh báo mức độ suy thoái của đa dạng sinh học ở Việt Nam, đặc biệt đối với nhóm động vật. Các cảnh báo thông qua mức độ đe dọa đối với các loài trong Sách đỏ sẽ là cơ sở khoa học cho việc rà soát, cập nhật danh mục các loài động vật hoang dã được bảo vệ trong các văn bản quy phạm pháp luật; bố trí nguồn lực cho các hoạt động quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học và tăng cường thực thi pháp luật nhằm ngăn chặn các tác động bất lợi lên sự tồn tại của các loài động, thực vật hoang dã, từ đó thúc đẩy sự phục hồi.
CCD với sự mệnh của mình sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tổ chức bảo tồn và các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các chương trình nghiên cứu, bảo tồn và phục hồi một cách hiệu quả các loài động, thực vật hoang dã của Việt Nam.
Chi tiết hơn về cuộc họp trên báo Nhân Dân và báo Lao Động
Báo Nhân Dân: https://nhandan.vn/ra-soat-tinh-trang-bao-ton-cua-cac-loai-thu-chuan-bi-cho-sach-do-viet-nam-2023-post734226.html?fbclid=IwAR21CpimyeB2WGQFsvBv2NcnRlvHVVVb7WasnQSezB7fEgflHQxD3lbanfA
Báo Lao Động: https://laodong.vn/moi-truong/nhieu-loai-thuoc-ho-meo-bi-de-doa-o-muc-cuc-ky-nguy-cap-1136992.ldo?fbclid=IwAR3K8IC7RKFqeJFOXS4ofAEvAyFO1UlRFIhy6hcwepUerJQe0b9TjeUCiA0