preloader
HỘI THẢO THAM VẤN CẤP TỈNH ĐỀ ÁN DU LỊCH SINH THÁI TRONG CÁC RỪNG ĐẶC DỤNG Ở THỪA THIÊN HUẾ

HỘI THẢO THAM VẤN CẤP TỈNH ĐỀ ÁN DU LỊCH SINH THÁI TRONG CÁC RỪNG ĐẶC DỤNG Ở THỪA THIÊN HUẾ

Ngày 15/9/2023, Thành phố Huế đã tổ chức Họp tham vấn cấp tỉnh Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Vườn quốc gia Bạch Mã, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Khu bảo tồn Sao La giai đoạn 2023-2030. Tham dự sự kiện có các đại diện từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Du lịch, các địa phương, đại diện Cục Lâm nghiệp, các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch, lữ hành và các nhà đầu tư ở Thừa Thiên Huế và trong cả nước. 

Các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam có các tiềm năng to lớn về du lịch sinh thái, tuy nhiên, phát triển hoạt động du lịch sinh thái trong hệ thống các khu bảo tồn vẫn gặp nhiều thách thức trong việc quy hoạch, quản lý và khai thác các tiềm năng đó. Chính vì thế, các giá trị tự nhiên và cảnh quan đặc biệt đó vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả phục vụ cho công tác giáo dục, nâng cao nhận thức của công chúng với thiên nhiên, đồng thời tạo ra nguồn thu lâu dài và bền vững cho các hoạt động bảo tồn. Do đó, việc xây dựng đề án du lịch sinh thái trong cho Bạch Mã, Phong Điền, Sao La  sẽ giúp cho các khu có chiến lược và kế hoạch rõ ràng để phát triển được các hoạt động du lịch giúp quảng bá các giá trị đặc biệt của mình và có được nguồn thu cho các công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của mình.

Tại hội thảo, các chuyên gia, các Ban quản lý Vườn quốc gia, Khu bảo tồn và các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến trong việc khai thác và phát triển hoạt động du lịch sinh thái ở các khu một cách chiến lược, hiệu quả nhất, phát huy được các thế mạnh về cảnh quan, giá trị thiên nhiên của từng khu. Đồng thời, các đại biểu cũng chỉ ra những thách thức trong phát triển du lịch sinh thái như cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc quy hoạch, sử dụng đất, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ du lịch, các khó khăn trong việc huy động nguồn lực, cạnh tranh trong bối cảnh du lịch chung ở Thừa Thiên Huế,…

Để du lịch sinh thái phát triển và trở thành một công cụ hiệu quả đóng góp cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong các rừng đặc dụng tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có các hướng dẫn cụ thể, có cơ chế đầu tư, quản lý đặc thù cho các vườn quốc gia, khu bảo tồn, trong đó khuyến khích việc tham gia mạnh mẽ hơn của khối doanh nghiệp để giúp phát triển hạ tầng du lịch và kết nối chuỗi nhằm thu hút được du khách. Tuy nhiên, do các hoạt động du lịch này sẽ diễn ra ở trong các khu bảo tồn, các vườn quốc gia nên cũng cần các cơ chế quản lý tốt, chặt chẽ, cụ thể để quản lý được các hoạt động, không làm thay đổi tính sở hữu của nhà nước đối với rừng, đất rừng và không tác động tới các chu trình tự nhiên, sinh sống của các loài động, thực vật hoang dã ở đây. Du lịch trong các khu bảo tồn cần hướng tới sự chuyên nghiệp, tính công bằng, bền vững và trách nhiệm.  

Với các nỗ lực và quyết tâm của nhà nước, các ban quản lý, các nhà đầu tư và cộng đồng, các hoạt động du lịch sinh thái sẽ sớm được phát triển một cách hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của công chúng với tầm quan trọng của các hệ sinh thái rừng, các giá trị đa dạng sinh học,và tạo nguồn thu bền vững cho các chủ rừng và cho cộng đồng thông qua các sản phẩm du lịch có chất lượng và có trách nhiệm.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên
và Phát triển

Đăng ký nhận tin

© 2021 Tất cả bài viết bản quyền CCD.