KHẢO SÁT NHU CẦU ĐÀO TẠO VÀ NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO VƯỜN QUỐC GIA CÁT TIÊN
Vườn quốc gia Cát Tiên là một trong những nơi có giá trị đa dạng sinh học cao nhất ở Việt Nam. Cát Tiên cũng là một trong 2 vùng lõi của Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Đồng Nai. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và giá trị đa dạng sinh học đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận Cát Tiên là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Đây là dấu mốc quan trọng, không những giúp nâng cao vị thế của Cát Tiên trong nước và quốc tế mà còn tạo điều kiện để Vườn phát triển và nâng tầm các hoạt động bảo tồn, du lịch và giáo dục công chúng với các giá trị tài nguyên tự nhiên, văn hóa đặc biệt ở đây.
Cho đến nay, Cát Tiên đã trở thành một Vườn Quốc gia hoạt động hiệu quả về cả mảng bảo tồn thiên nhiên và du lịch. Trong 5 năm trở lại đây, Cát Tiên được biết tới là nơi có những hoạt động bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học hiệu quả với điểm du lịch sinh thái ấn tượng, nơi mà du khách có thể trực tiếp ngắm nhìn động vật hoang dã trong chính môi trường tự nhiên và các trải nghiệm độc đáo gắn với thiên nhiên độc đáo như xem thú đêm, quan sát các loài linh trưởng, xem chim, thăm các hệ sinh thái rừng đặc trưng vùng miền Đông-Nam bộ, trải nghiệm các hoạt động du lịch cộng đồng và văn hóa địa phương.
Tuy nhiên, do thực tế khách quan là cán bộ thường xuyên thay đổi, và các kiến thức về quản lý, bảo tồn và du lịch thường xuyên cần thay đổi để bắt kịp với nhu cầu quản lý, phát triển cũng như sự thay đổi của các tác động. Do đó, các hoạt động đào tạo nhằm nâng cao năng lực, kiến thức là một hoạt động ưu tiên và thường xuyên.
Trong khuôn khổ hoạt động của dự án “Bảo tồn và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng tại Vườn quốc gia Cát Tiên” do AfoCo tài trợ, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) đã phối hợp với Cát Tiên thực hiện chương trình đánh giá về nhu cầu nâng cao kiến thức và đào tạo về: (i) nhu cầu đào tạo kiến thức, kỹ năng tuần tra về bảo vệ rừng gắn với giám sát đa dạng sinh học và (ii) nhu cầu đào tạo về du lịch cộng đồng và hướng dẫn viên địa phương, phát triển tài liệu và đào tạo. Hoạt động đánh giá được thực hiện cho mọi đối tượng đang làm việc tại Cát Tiên và một số xã vùng đệm. Dựa trên kết quả đánh giá, CCD sẽ phối hợp với Cát Tiên xây dựng tài liệu, lập kế hoạch tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ và các đối tác của vườn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, bảo vệ rừng và các hoạt động du lịch sinh thái, trải nghiệm thiên nhiên đặc sắc và ý nghĩa hơn nhằm nâng cao được nhận thức và trách nhiệm của công chúng đối với rừng và đa dạng sinh học.
Trong những năm qua, song song với các nỗ lực bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, CCD đã và đang tích cực hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực, hoàn thiện hệ thống quản lý cho các khu bảo tồn, vườn quốc gia trong cả nước và hỗ trợ cộng đồng phụ thuộc vào rừng phát triển sinh kế thông qua các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch bền vững gắn với bảo vệ rừng qua đó tạo thu nhập, giảm sự phụ thuộc và tác động vào rừng, đa dạng sinh học.