NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ TẠI KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN THẾ GIỚI CHÂU THỔ SÔNG HỒNG
Khu Dự trữ Sinh quyển Đất ngập nước Liên tỉnh Ven biển Châu thổ Sông Hồng (Khu DTSQTG Châu thổ Sông Hồng), được UNESCO công nhận vào năm 2004, có tổng diện tích trên 105.000 ha, trải dài trên ba tỉnh Ninh Bình, Thái Bình và Nam Định. Khu DTSQTG châu thổ sông Hồng có 12 kiểu sinh cảnh như bãi bùn, bãi cát ngập triều, trảng cỏ, sậy, rừng ngập mặn cùng các cồn cát phi lao… là ngôi nhà cho nhiều loài động, thực vật hoang dã, quý, hiếm với Việt Nam và thế giới, đồng thời góp phần chống lại thiên tai. Bên cạnh đó, Khu DTSQTG là nguồn phát triển sinh kế bền vững cho ngư dân với nhiều loài động, thực vật thủy sinh, có giá trị kinh tế cao. Với đặc thù về tự nhiên, xã hội và cấu trúc quản lý liên tỉnh phức hợp đó, Khu DTSQTG cần phải có đánh giá định kỳ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và các chức năng bảo tồn, nghiên cứu, phát triển của Khu DTSQTG.
Trong khuôn khổ Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (Dự án BR), Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) hỗ trợ đánh giá định kỳ 10 năm Khu DTSQTG châu thổ sông Hồng giai đoạn 2014 – 2024. CCD sẽ đánh giá hiện trạng quản lý, các thách thức và cơ hội bảo tồn ở Khu DTSQTG nhằm xây dựng báo cáo, đồng thời hướng dẫn phân vùng lại Khu DTSQTG dựa trên các thực trạng mới và các bài học kinh nghiệm thu thập được từ hoạt động quản lý trong một thập kỷ qua.
Ảnh 4: Khu vực nuôi ngao tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình
Ảnh 5: Khu DTSQTG châu thổ sông Hồng sở hữu những cánh rừng ngập mặn rộng hàng nghìn ha, là ngôi nhà cho nhiều loài hoang dã và có vai trò như bức tường xanh chống thiên tai
Ảnh 6: Một đàn cò mỏ thìa tại Vườn quốc gia Xuân Thủy – tỉnh Nam Định
©CCD/2024
Trong thời gian tới, CCD cam kết hỗ trợ kỹ thuật để đáp ứng các yêu cầu của UNESCO trong hoạt động đánh giá định kỳ 10 năm Khu DTSQTG châu thổ sông Hồng. Bên cạnh đó, CCD tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các bên nhằm đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển cộng đồng, từ đó tạo nền tảng cho bảo tồn hiệu quả đa dạng sinh học và các chiến lược phát triển bền vững trong tương lai.