
Nghiên cứu và bảo tồn các loài rùa tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên
Việt nam là nơi sinh sống của 26 loài rùa cạn và rùa nước ngọt, trong đó bao gồm 2 loài đặc hữu là Rùa hộp trán vàng miền Nam (Cuora picturata) và Rùa trung bộ (Mauremys annamensis). Tuy nhiên, tình trạng săn bắt trái phép và mất môi trường sống đang làm sụt giảm số lượng của các loài rùa ngoài tự nhiên. Trong đó có 04 loài nằm trong 25 loài Rùa cạn và nước ngọt có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thể giới (Các loài rùa đang bị đe dọa: Tốp 25+ các loài rùa cạn và rùa nước ngọt nguy cấp nhất thế giới – 2018); nhiều loài được liệt kê ở mức cực kỳ nguy cấp (CR), nguy cấp (EN) và sắp nguy cấp (VU) theo danh mục sách đỏ IUCN và Sách đỏ Việt Nam (2007).
Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Xuân Liên có diện tích 27.123 ha rừng thường xanh tự nhiên trên núi thấp và rừng tre hỗn giao, là môi trường sống lý tưởng cho các loài rùa cạn và rùa nước ngọt. Ghi nhận từ các hoạt động điều tra đa dạng sinh học gần đây cho thấy, có ít nhất 03 loài rùa trong đó có cả loài CR và EN phân bố trong khu bảo tồn. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có các nghiên cứu chuyên sâu nào về các loài rùa nhằm đưa ra các biện pháp quản lý và bảo tồn phù hợp cho chúng ở Xuân Liên.
Nằm trong chuỗi hoạt động thuộc dự án Bảo tồn các loài rùa ở Khu bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên. Trong tháng 11 năm 2020, Trung tâm bảo tồn thiên nhiên và phát triển (CCD) đã kết hợp với Xuân Liên thực hiện hoạt động điều tra trên thực địa. Kết quả điều tra ban đầu đã ghi nhận loài rùa đầu to (Platysternon megacephalum) và rùa đất Spengle (Geoemyda spengleri), cả hai loài đều được xếp ở ở mức Nguy cấp (EN) trong sách đỏ IUCN (IUCN, 2020) và được bảo vệ nghiêm bởi luật pháp Việt Nam (Nghị định 06/2019/NĐ-CP). Trong thời gian điều tra thực địa, nhóm cũng chưa ghi nhận được các hoạt động săn, bắt rùa trong khu bảo tồn. Điều tra phỏng vấn ở một số thôn thuộc xã Bát Mọt cũng ghi nhận được nhiều cá thể rùa núi viền (Manouria impressa) đang được nuôi trong một số hộ gia đình và mai của nhiều loài rùa cũng được người dân lưu giữ. Kết quả này cũng cho thấy, có lẽ việc bắt rùa ngoài tự nhiên vẫn điễn ra ở các thông bản vùng đệm, tuy nhiên nhóm chưa ghi nhận được thông tin về hoạt động buôn bán rùa ở địa phương.
Trong thời gian tới, CCD sẽ tiếp tục phối hợp với Xuân Liên để tiến hành thêm các đợt điều tra nhằm đánh giá hiện trạng quần thể, các mối đe dọa tới các loài rùa ở trong khu bảo tồn. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phối hợp với khu bảo tồn tiến hành một số hoạt động tập huấn về kiến thức và kỹ năng điều tra, bảo tồn rùa và gắn các thiết bị theo dõi để nghiên cứu về tập tính. Đồng thời, tổ chức các hoạt động truyền thông cho cộng đồng để nâng cao nhận thức người dân, nhằm giảm các mối đe dọa như săn bắt và nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn các loài Rùa cũng như các loài động vật nguy cấp khác ở trong khu bảo tồn.



