preloader
Điều tra và nghiên cứu về các loài Cu li (Nycticebus spp.) lần 3 tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên

Điều tra và nghiên cứu về các loài Cu li (Nycticebus spp.) lần 3 tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên

Tiếp nối chuỗi hoạt động nghiên cứu về quần thể các loài Cu li tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (KBTTN Xuân Liên), trong tháng 7/2020, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (CCD) đã phối hợp với cán bộ của Ban quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên thực hiện tiếp hoạt động điều tra đợt 3 tại khu vực phía Tây Bắc của Xuân Liên.

Nhóm nghiên cứu đã điều tra bằng đèn soi trên 13 tuyến, với tổng độ dài khoảng 48 Km. Kết quả điều tra ghi nhận được một cá thể Cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus) và một số loài động vật khác như sóc bay nhỏ, thú gặm nhấm, cú mèo, v.v.. Kết hợp với kết quả điều tra đợt 1 (tháng 7/2019), đợt 2 (12/2019) và thông tin thu được từ các cộng tác viên địa phương thì có 07 cá thể cu li, gồm 02 cá thể cu li lớn (Nycticebus bengalensis), 05 cá thể culi nhỏ (Nycticebus pygmaeus) đã được ghi nhận trên các tuyến điều tra ở Xuân Liên. Các cá thể cu li nêu trên đều được ghi nhận tại sinh cảnh rừng hỗn giao gỗ-tre nứa và rừng tái sinh sau nương rẫy (phục hồi sau hơn 20 bỏ hoang). Chưa có ghi nhận nào ở khu vực rừng cây gỗ lớn và rừng già như thông tin mà nhóm thu được từ các nguồn phỏng vấn.

Cu li là nhóm động vật được bảo vệ bởi pháp luật của Việt Nam, cụ thể là Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, Nghị định số 160/2013/NĐ-CP (danh mục được cập nhật trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP). Đánh giá sơ bộ tại Xuân Liên thì quần thể hoang dã của cả hai loài này có đang bị suy suy giảm mạnh do săn bắt (nguyên nhân chính), buôn bán (không phố biến) và mất nơi sống (nguyên nhân quan trọng). Mặc dù Sách đỏ Việt Nam (2007) xếp culi trong danh mục loài Sẽ nguy cấp (VU), tuy nhiên các nghiên cứu gần đây về cu li ở Việt Nam cho thấy quần thể của chúng bị suy giảm ở tất cả các vùng phân bố do vậy mức độ đe dọa của chúng nên được đặt ở mức EN hoặc CR. Hơn thế, Danh lục đỏ các loài bị đe dọa của IUCN cũng đã xếp chúng vào mức EN, do vậy cần nâng mức độ bảo vệ đối với các loài cu li ở Việt Nam để có các biện pháp bảo vệ tích cực hơn cho 2 loài này.

Trong thời gian tới, CCD sẽ tiếp tục phối hợp với KBTTN Xuân Liên để tiến hành thêm các đợt điều tra nhằm đánh giá hiện trạng quần thể Cu li trên toàn khu vực. Đồng thời, thực hiện các hoạt động truyền thông cho cộng đồng để nâng cao nhận thức người dân, nhằm giảm các mối đe dọa như săn bắt và nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn cu li cũng như các loài linh trưởng nguy cấp khác.

CCD đang phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý các khu bảo tồn, các Vườn quốc gia trong cả nước để duy trì các chương trình bảo tồn dài hạn cho các loài động, thực vật nguy cấp của Việt Nam. CCD cũng phối hợp với các đối tác nhằm thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực cho các nhà khoa học trẻ, cán bộ tại các khu bảo tồn, vườn quốc gia nhằm nghiên cứu, giám sát và bảo vệ tốt hơn sinh cảnh và quần thể của các loài động vật hoang dã nguy cấp của Việt Nam và khu vực. Chúng tôi cũng đang thực hiện các hoạt động tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho các đối tác nhà nước liên quan nhằm nâng cao hiệu quả của các hoạt động bảo tồn, các hoạt động thực thi Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo tồn đa dạng sinh học để giúp việc quản lý các khu bảo tồn, vườn quốc gia cùng các giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam hiệu quả hơn.

Ảnh 1: Culi nhỏ (Nycticebus pygmaeus) được ghi nhận trên một tuyến điều tra đêm
Ảnh 2: Rừng hỗn giao tre nứa- gỗ
Ảnh 3: Nhóm nghiên cứu và kiểm lâm, tổ bảo vệ rừng cộng đồng ở Xuân Liên trong hoạt động điều tra đêm
Ảnh 4: Sóc bay nhỏ (Hylopetes phayrei) ghi nhận trên tuyến điều tra đêm
Ảnh 5: Rắn roi xanh (Ahaetulla prasina) ghi nhận trên tuyến điều tra đêm
Ảnh 6: Rồng đất (Physignathus cocincinus) ghi nhận trên tuyến điều tra đêm.

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên
và Phát triển

Đăng ký nhận tin

© 2021 Tất cả bài viết bản quyền CCD.