
Nghiên cứu về các loài Culi ở Khu bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên
Ở Việt Nam hiện ghi nhận được 2 loài Culi lớn (Nycticebus bengalensis) và Culi nhỏ (Nycticebus pygmaeus) có phân bố trong tự nhiên. Culi là nhóm động vật được bảo vệ bởi pháp luật, hơn thế cả hai loài này có quần thể suy giảm và sự tồn tại của chúng vẫn đang bị đe dọa nên chúng được xếp vào nhóm Sẽ nguy cấp (VU) trong sách đỏ Việt Nam và trong Danh lục đỏ các loài bị đe dọa của Hiệp hội Bảo tồn Quốc tế (IUCN).
Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, quần thể của cả 2 loài Culi đang suy giảm một cách nhanh chóng do mất rừng và bị săn bắt và buôn bán làm thú cảnh. Hơn thế, Culi cũng là nhóm động vật ít được quan tâm nghiên cứu và bảo vệ so với nhiều loài linh trưởng khác, do đó thông tin về hai loài này còn rất ít và tản mát do không được nghiên cứu và thống kê một cách hệ thống.
Trong tháng 12 năm 2019, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) đã phối hợp với Khu bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên tiến hành hoạt động điều tra Culi ở một số khu vực trong khu bảo tồn nhằm thu thập thông tin để tìm kiếm các hỗ trợ cũng như lập kế hoạch bảo vệ cho các loài culi. Kết quả nghiên cứu xác nhận có cả 2 loài Culi lớn và Culi nhỏ ở Xuân Liên. Chúng phân bố chủ yếu ở các khu vực rừng thường xanh và rừng hỗn giao gỗ-tre nứa, ít ghi nhận ở khu vực rừng già. Kết quả điều tra ban đầu cũng cho thấy, quần thể Culi ở đây vẫn đang bị áp lực từ hoạt động săn bắt của người dân địa phương để nuôi làm thú cảnh hoặc để ăn thịt, mặc dù Khu bảo tồn đã có các nỗ lực tuyên tuyền về bảo vệ các loài động vật nguy cấp, bao gồm cả các loài culi.
Dự kiến, trong năm 2020 CCD sẽ phối hợp với Xuân Liên cùng với các đối tác khác thực hiện các hoạt động điều tra chi tiết về quần thể culi trong khu bảo tồn nhằm có kế hoạch bảo tồn hiệu quả hơn cho nhóm động vật đặc biệt này.
Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển đang duy trì một chương trinh bảo tồn dài hạn cho các loài nguy cấp ở Việt Nam và các động, thực vật từ các nước khác đang bị buôn bán bất hợp pháp qua Việt Nam. Chương trình tập trung vào nâng cao năng lực nghiên cứu, giám sát và bảo tồn cho cán bộ các khu bảo tồn, lực lượng Kiểm lâm và cộng đồng địa phương có liên quan; hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan quản lý, các cơ quan thực thi nhằm có các hoạt động hiệu quả hơn để bảo vệ quẩn thể, cũng như ngăn chặn được nạn săn bắt, buôn bán và tiêu thụ trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã.



