Nghiên cứu về suy thoái rừng ngập mặn và lựa chọn loài cây thích hợp để khôi phục rừng ngập mặn tại Vườn Quốc Gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định
Trong khuôn khổ thực hiện các nội dung của Dự án “Thích ứng và lựa chọn loài cây ngập mặn phù hợp cho khôi phục và bảo tồn rừng ngập mặn đã bị suy thoái ở Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy, tỉnh Nam Định”, trong năm 2020, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (CCD) cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia rừng ngập mặn và các cán bộ VQG Xuân Thủy thực hiện tiếp hoạt động nghiên cứu tìm hiểu hiện trạng suy thoái rừng ngập mặn nhằm chọn loài cây phù hợp phục vụ gieo ươm và trồng thử nghiệm phục hồi tại VQG Xuân Thủy.
Nhóm nghiên cứu đã điều tra hiện trạng rừng ngập mặn theo phương pháp điều tra tuyến và lập ô tiêu chuẩn (trên mỗi tuyến 3 ô, diện tích 400m2 ). Kết quả điều tra cho thấy, tại khu vực nghiên cứu có phân bố một số quần xã chủ yếu gồm: Quần xã Sú (Aegiceras corniculata (L.) Blanco), Bần chua (Sonneratia caseolaris (L.) Engl.); quần xã Trang (Kandelia obovata Sheue, H.Y. Liu & J. Yong) – Sú (Aegiceras corniculata (L.) Blanco); quần xã Bần chua (S. caseolaris (L.) Engl.); quần xã Sú (A. corniculata (L.) Blanco) – Trang (K. obovata Sheue, H.Y. Liu & J. Yong) – Mắm biển (Avicennia marina (Forsk.) Vierh) – Bần chua (S. caseolaris (L.) Engl.); quần xã Trang (K. obovata Sheue, H.Y. Liu & J. Yong), Đước vòi (Rhizophora stylosa Griff.). Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận 7,5km rừng ngập mặn bị xói lở, 78,37 ha quần xã Trang (K. obovata Sheue, H.Y. Liu & J. Yong), Sú (A. corni culata (L.) Blanco) tại khu vực Cồn Lu bị suy thoái do sâu bệnh. Kết quả điều tra cũng chọn và khuyến nghị việc chọn 2 loài cây Bần chua (S. caseolaris (L.) Engl.) và Đước vòi (R. stylosa Griff.) là các loài phù hợp để gieo ươm và trồng thử nghiệm nhằm phục hồi các khu vực bị suy thoái ở Xuân Thủy.
Rừng ngập mặn ở VQG Xuân Thủy là Ramsar đầu tiên của Việt Nam và có vai trò là nơi sống và bãi đẻ nhiều loại hải sản, chim nước, chim di cư; khu vực này cũng là đai chắn sóng và nước biển giúp điều hoà khí hậu, hạn chế ảnh hưởng của bão lũ và triều cường, hạn chế xói lở bảo vệ đê biển. Rừng ngập mặn Xuân Thủy đang cung cấp sinh kế cho hàng nghìn người dân ở các xã vùng đệm và là điểm du lịch sinh thái quan trọng ở tỉnh Nam Định và đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, trước những tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những tác động quá mức của con người thông qua hoạt động đánh bắt và khai thác nguồn lợi thủy sản đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến rừng ngập mặn. Cũng do các tác động của biến đổi khí hậu, và thay đổi độ mặn, nước triều đã làm một số loài cây ngập mặn đang có dấu hiệu bị suy thoái. Nhiều bãi triều vẫn là nơi kiếm ăn của chim di cư nay đã bị chuyển đổi thành các đầm tôm, vùng nuôi ngao làm mất sinh cảnh và nơi kiếm ăn của nhiều loài nguy cấp như Rẽ mỏ thìa (Eurynorhynchus pygmeus), Cò thìa (Platalea minor), Choắt lớn mỏ vàng (Tringa guttifer), Cò trắng Trung Quốc (Egretta eulophotes) và nhiều loài chim di cư khác.
Trong thời gian tới, CCD sẽ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia và VQG Xuân Thủy tiến hành gieo ươm và trồng thử nghiệm mô hình khôi phục rừng ngập mặn bị suy thoái. Ngoài ra, CCD tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông trong cộng đồng để nâng cao nhận thức người dân về tầm quan trọng của rừng ngập mặn và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật ươm, trồng cây ngập mặn cho cộng đồng giúp họ có kỹ thuật để tham gia tích cực hơn vào các hoạt động bảo tồn và khôi phục rừng ngập mặn tại VQG Xuân Thủy.