Nghiên cứu về phân bố và khả năng tái sinh tự nhiên của các loài Trắc (Dalbergia cochinchinensis) và Cẩm Lai (D. oliveri) ở tỉnh Kon Tum và Bình Phước
Các loài thuộc chi Trắc (Dalbergia) là những loài cây gỗ có giá trị, đã và đang bị khai thác và buôn bán trái phép nhiều nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Dương. Do hoạt động khai thác và buôn bán bất hợp pháp, quần thể gỗ Trắc và Cẩm lai ngoài tự nhiên đã suy kiệt ở nhiều địa phương; các quần thể còn lại đang bị đe dọa nghiêm trọng ngay cả ở những khu vực cụ thể được thành lập để bảo vệ loài này. Cả hai loài này đang được bảo vệ bởi các quy định của quốc gia và quốc tế và thuộc danh mục của Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 về “Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp” (Nhóm IIA), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) (Phụ lục II).
Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển đang thực hiện chương trình hỗ trợ các nỗ lực bảo vệ và phục hồi quần thể của các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp. Trong các nỗ lực đó, Trung tâm ưu tiên tăng cường các nỗ lực nghiên cứu, giám sát và thực thi pháp luật nhằm ngăn chặn hiệu quả các hoạt động săn bắt, khai thác, buôn bán bất hợp pháp các loài động vật, và thực vật nguy cấp của Việt Nam và cả những loài của các nước khác đang bị vận chuyển và buôn bán bất hợp pháp ở Việt Nam.
Trong tháng 03 và tháng 04 năm 2020, Trung tâm đã thực hiện hoạt động khảo sát phân bố và đánh giá tình hình tái sinh của loài Trắc (Dalbergia cochinchinesis) và Cẩm Lai (Dalbergia oliveri) ở Rừng đặc dụng Đắk Uy, tỉnh Kon Tum và Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Mặc dù có ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và quy định cách ly xã hội của Chính phủ nhưng đoàn công tác đã hoàn thành chuyến khảo sát như dự kiến.
Kết quả khảo sát Trắc ở Rừng đặc dụng Đắk Uy cho thấy mật độ cây gỗ có đường kính từ 6 cm trở lên xấp xỉ 15 cây/ha; mật độ cây tái sinh trên 35 cây/ha, trong đó mật độ cây có triển vọng khoảng 27 cây/ha, chiếm 76% – thể hiện tiềm năng sinh trưởng và phát triển thành cây gỗ trong tương lai tương đối cao. Tỷ lệ cây tái sinh chồi là 56,7% và tái sinh hạt là 43,3%. Về cấu trúc tổ thành, trong số bình quân 17 loài cây gỗ trên một ô tiêu chuẩn (OTC), Trắc chiếm ưu thế so với các loài khác ở hầu hết các OTC được lập. Không ghi nhận phân bố và tái sinh của Cẩm lai ở Rừng đặc dụng Đắk Uy.
Kết quả khảo sát Cẩm lai ở vườn quốc gia Bù Gia Mập cho thấy mật độ cây gỗ có đường kính từ 6 cm trở lên là 7,6 cây/ha; mật độ cây tái sinh trên 5,6 cây/ha, trong đó mật độ cây có triển vọng khoảng 2,8 cây/ha, chiếm khoảng 49%. Tỷ lệ cây tái sinh chồi là 55,7% và tái sinh hạt là 44,3%. Xét về cấu trúc tổ thành, trong số bình quân 24 loài cây gỗ trong một OTC, Cẩm lai chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ khoảng 5,8%. Không ghi nhận về phân bố và tái sinh của Trắc ở nơi này.
Dưới đây là một số hình ảnh về chuyến khảo sát.