Khảo sát về phân bố và đặc điểm tái sinh tự nhiên của loài Trắc (Dalbergia cochinchinensis) và Cẩm Lai (Dalbergia oliveri) tại tỉnh Đồng Nai và Đắk Lắk
Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) đang thực hiện chương trình hỗ trợ các nỗ lực bảo vệ và phục hồi quần thể của các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp. Trong các nỗ lực đó, Trung tâm ưu tiên tăng cường các nỗ lực nghiên cứu, giám sát quần thể và thực thi pháp luật nhằm ngăn chặn hiệu quả các hoạt động săn bắt, khai thác, buôn bán bất hợp pháp các loài động vật, và thực vật nguy cấp của Việt Nam và cả những loài của các nước khác đang bị vận chuyển và buôn bán bất hợp pháp ở Việt Nam.
Tiếp nối hoạt động nghiên cứu về phân bố và đánh giá tình trạng tái sinh tự nhiên của loài Trắc (Dalbergia cochinchinensis) và Cẩm lai (Dalbergia oliveri) tại tỉnh Kon Tum và Bình Phước đã được thực hiện trong tháng 3 và tháng 4 (xem thêm tại đây), các hoạt động nghiên cứu tương tự đã được triển khai tại Vườn quốc gia Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai) và Vườn quốc gia Yok Đôn (tỉnh Đắk Lắk) vào tháng 5 và đầu tháng 6 năm 2020.
Kết quả khảo sát tại khu vực Nam Cát Tiên của VQG Cát Tiên cho thấy tại đây chỉ có loài Cẩm lai phân bố tự nhiên với mật độ trung bình cây gỗ (đường kính trên 6 cm) trên các tuyến nghiên cứu xấp xỉ 6,8 cây/ha, mật độ cây tái sinh trung bình là 12,3 cây/ha. Trong số 1.544 cây tái sinh ghi nhận được trên các tuyến điều tra, cây tái sinh triển vọng chỉ chiếm 39,31%, số lượng cây tái sinh hạt là 1.364 cây chiếm tỷ lệ lớn 88,34%. Tỷ lệ cây tái sinh hạt cao cho thấy tiềm năng về tính đa dạng di truyền trong quần thể và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn và phục hồi lâu dài. Loài Cẩm lai tại VQG Cát Tiên được ghi nhận ở cả ba kiểu rừng: rừng lá rộng thường xanh; rừng bán rụng lá có bằng lăng chiếm ưu thế; rừng hỗn giao lồ ô – gỗ. Ở Cát tiên, Cẩm lai là một trong những loài ưu thế và là loại quan trọng trọng trong cấu trúc tầng tán các sinh cảnh ở khu vực nghiên cứu.
Tại VQG Yok Đôn ghi nhận cả hai loài Trắc (Dalbergia cochinchinensis) và Cẩm lai (Dalbergia oliveri) phân bố cùng sinh cảnh. Trắc phân bố tại VQG Yok Đôn tập trung thành cụm, mật độ trung bình cây gỗ là 0.7 cây/ha, mật độ trung bình cây tái sinh là 4,3 cây/ha. Trong đó, tỷ lệ cây tái sinh chồi là 88,98%, tái sinh hạt là 11,02%. Cây tái sinh triển vọng chiếm khoảng 47,45%. Đối với loài Cẩm lai, mật độ trung bình cây gỗ là 2,9 cây/ha, mật độ trung bình cây tái sinh trong khu vực điều tra là 21,6 cây/ha. Tái sinh tại đây chủ yếu là tái sinh chồi sau cháy rừng với tỷ lệ 91,44%, tái sinh hạt chỉ chiếm 8,56%. Cây tái sinh chủ yếu là không triển vọng, chiếm 87,28%. Ở Yok Đôn với đặc trưng là kiểu rừng khộp, vào mùa khô thường xảy ra cháy rừng khiến các cây tái sinh của hai loài này khó phát triển thành cây trưởng thành.
Một số hình ảnh của chuyến điều tra: