preloader
Nghiên cứu về phân bố và tình trạng quần thể Lan hài hê-len (Paphiopedilum helenae Aver.) tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng
Ngôn ngữ :

Nghiên cứu về phân bố và tình trạng quần thể Lan hài hê-len (Paphiopedilum helenae Aver.) tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng

Lan hài hê-len (có tên khoa học là Paphiopedilum helenae Aver.) là loài có hoa màu vàng nổi bật, có tính thẩm mĩ cao nên thường bị khai thác để bán làm cảnh. Theo các tài liệu nghiên cứu trước đây, Hài hê-len phân bố hạn chế tại các khu rừng ở tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và Nam Trung Quốc tại khu vực biên giới với Việt Nam. Cũng như các loài khác trong nhóm lan hài (Paphiopedilum), hài hê-len đã và đang bị khai thác mạnh tại hầu hết các khu vực phân bố tự nhiên của chúng dẫn đến quần thể suy giảm nhanh chóng. Một số nghiên cứu gần đây ước tính số lượng cá thể trưởng thành của loài đã suy giảm 85-90% trong thập kỷ trước và dự đoán sẽ tiếp tục suy giảm khoảng 80-90% số lượng cá thể còn lại trong 25 năm tiếp theo. Chính vì vậy, Lan hài hê-len được đánh giá ở mức Cực kỳ nguy cấp (CR) trong cả Sách đỏ Việt Nam (2007) và Danh lục đỏ các loài đang bị đe dọa của IUCN (2019). Loài này còn được bảo vệ bởi các quy định của quốc gia như: trong nhóm IA của Nghị định 06/2019/NĐ-CP về “Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp”, trong Phụ lục 1 của Nghị định 64/2019/NĐ-CP về Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Trước tình trạng suy giảm và bị đe dọa của quần thể cũng như sự cần thiết phải có các nghiên cứu để đưa ra các biện pháp bảo vệ và bảo tồn phù hợp cho loài này, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) tiến hành nghiên cứu, đánh giá tình trạng quần thể và các mối đe dọa đến loài Lan hài hê-len tại huyện Trùng Khánh và Trà Lĩnh (cũ) của tỉnh Cao Bằng.

Trong tháng 10 vừa qua, Trung tâm đã tiến hành điều tra thực địa tại huyện Trùng Khánh (bao gồm cả các xã của huyện Trà Lĩnh cũ). Kết quả đã ghi nhận ít nhất 172 cây tại 53 điểm nằm trên tám (8) tuyến điều tra chính. Ở khu vực nghiên cứu, nhóm ghi nhận rằng, hài hê-len thường mọc trên các đỉnh hoặc vách núi đá vôi, trong các gờ có rêu của vách đá dựng đứng (75-90o) thuộc sườn Bắc (các hướng Bắc, Đông Bắc và Tây Bắc) của các dãy núi. Loài này thường mọc nơi lộ sáng hoặc dưới tán rừng nguyên sinh hỗn giao hoặc hỗn giao cây lá kim các loài Thiết sam giả lá ngắn (Pseudotsuga brevifolia), Thông năm lá (Pinus wangii subsp. varifolia) trên núi đá vôi, độ tàn che khoảng 50%, ở độ cao từ 700-850m so với mặt nước biển.

Bên cạnh đó, nhóm điều tra cũng đi khảo sát một số vườn sưu tập lan ở Cao Bằng và phỏng vấn người dân địa phương. Chỉ có một vườn lan đang trồng hài hê-len với số lượng ít và người dân tại khu vực Trà Lĩnh (cũ) vẫn vào rừng tìm kiếm, thu lượm loài này nhưng không nhiều.

Trung tâm sẽ tiếp tục có các hoạt động điều tra bổ sung về quần thể và đặc biệt là tình hình khai thác, buôn bán loài lan hài nhằm có các thông toàn diện hơn để đưa ra các đề xuất bảo vệ và phục hồi phù hợp ở các vùng phân bố của chúng. Nghiên cứu và bảo tồn các loài lan đang bị đe dọa là một phần trong Chương trình bảo tồn các loài  thực vật nguy cấp mà Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển đang thực hiện ở nhiều vùng trong cả nước.

Hình 1: Paphiopedilum helenae trong tự nhiên. Photo by: Trinh Dinh Hoang/CCD
Hình 2: P. helenae mọc trên các vách đá dựng đứng. Photo by: Dinh Thi Kim Van/CCD
Hình 3: Chụp ảnh cây trong tự nhiên
Hình 4: Sử dụng ứng dụng Gaia GPS trong khi điều tra. Photo by: Dinh Thi Kim Van/CCD.

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên
và Phát triển

Đăng ký nhận tin

© 2021 Tất cả bài viết bản quyền CCD.