PHỤC HỒI VÀ QUẢN LÝ BỀN VỮNG CÁC DIỆN TÍCH RỪNG NGẬP MẶN Ở HÀ TĨNH
Rừng ngập mặn (RNM) là một hệ sinh thái ven bờ cực kì quan trọng đối với vùng ven biển với tính đa dạng sinh học cao, giá trị lớn với phòng hộ ven biển. RNM cung cấp các dịch vụ môi trường quan trọng, như phòng hộ, là nơi sống cho chim, cá và các loài động vật không xương sống. Có RNM, vùng ven bờ được bảo vệ và giảm thiểu tác động bởi bão, lũ lụt, xói lở bờ. Tuy nhiên, RNM đang là hệ sinh thái bị suy giảm nhiều nhất do các tác động của hoạt động phát triển ven biển.
Tỉnh Hà Tĩnh có các dải RNM nhỏ ở các vùng cửa sông, là các đai bảo vệ quan trọng cho các vùng ven bờ, chống xói lở và là bãi đẻ của các loài thủy sản. Tuy nhiên, trong 10 năm gần đây, RNM tại Hà Tĩnh cũng đang bị thu hẹp do mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản và có biểu hiện bị suy thoái do sâu bệnh đã làm chết một diện tích lớn. Từ năm 2022, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) hỗ trợ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp tổng hợp để phòng trừ giáp xác gây hại rừng ngập mặn tỉnh Hà Tĩnh” nhằm có biện pháp xử lý và phục hồi được các diện tích RNM đã bị chết và bảo vệ các khu vực RNM đang được trồng mới.
Nhóm nghiên cứu của CCD đã thực hiện các hoạt động khảo sát ở các khu vực RNM của tỉnh Hà Tĩnh và bước đầu đã xác định được loài giáp xác Sphaeroma terebrans (thuộc Họ Sphaeromatidae, Bộ chân đều Isopoda, Lớp Malacostraca) là một trong các tác nhân chính thường đục phá thân cây làm nơi trú ngụ do đó làm rỗng và gãy ngang thân, dẫn đến cây chết hàng loạt.
Hình 3. Gốc cây Trang bị giáp xác Sphaeroma terebrans tấn công
Hình 4. Giai đoạn trưởng thành loài giáp xác Sphaeroma terebrans
Với sứ mệnh của mình và đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm, CCD sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh và các địa phương khác phục hồi và phát triển các diện tích RNM hiệu quả hơn nhằm gia tăng các giá trị dịch vụ hệ sinh thái, giá trị phòng hộ, ứng phó với biến đổi khí hậu mà các khu rừng này mang lại.