preloader
Đánh giá tình trạng bảo tồn và quản lý loài Trắc (Dalbergia cochinchinensis) và Cẩm Lai (D. oliveri) tại Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk
Ngôn ngữ :

Đánh giá tình trạng bảo tồn và quản lý loài Trắc (Dalbergia cochinchinensis) và Cẩm Lai (D. oliveri) tại Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk

Nạn khai thác, săn bắn, buôn bán bất hợp pháp các loài động, thực vật đang diễn ra phổ biến trong các khu rừng ở Việt Nam làm suy giảm nghiêm trọng quần thể và dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài động vật hoang dã ở Việt Nam như tê giác một sừng (Rhinoceros sondaicus annamiticus), bò xám (Bos sauveli), rất nhiều loài thực vật cũng đang chịu các áp lực tương tự do việc khai thác tận diệt nhằm phục vụ nhu cầu của thị trường. Ở Việt Nam, nhóm loài cây gỗ như trắc-sưa-cẩm (Dalbergia) và các loài lan hài (Paphiopedilum) và lan kim tuyến (Anoectochilus) là nhưng nhóm thực vật đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do khai thác và buôn bán bất hợp pháp. Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển đang duy trì chương trình dài hạn nhằm hỗ trợ các nỗ lực bảo vệ và phục hồi quần thể của các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp và đặc biệt là tăng cường các nỗ lực bảo tồn tại chỗ, tăng cường thực thi pháp luật nhằm ngăn chặn hiệu quả các hoạt động săn bắt, khai thác, buôn bán bất hợp pháp các loài động vật, và thực vật nguy cấp của Việt Nam và cả những loài của các nước khác đang bị vận chuyển và buôn bán bất hợp pháp ở Việt Nam.

Trong tháng 9 năm 2019, phối hợp với Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Trung tâm đã  cùng với các chuyên gia bảo tồn thực vật, chuyên gia lâm nghiệp thực hiện hoạt động đánh giá nhanh về tình hình quản lý, bảo vệ và các nỗ lực phục hồi quần thể của loài Trắc (Dalbergia cochinchinesis) và Cẩm Lai (Dalbergia oliveri) ở 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum.

Kết quả khảo sát cho thấy, do có giá trị thương phẩm cao để làm đồ mỹ nghệ và gia dụng cao cấp, đặc biệt là phục vụ xuất khẩu nên cả hai loài cẩm lai và trắc đã bị khai thác quá mức dẫn đến quần thể của chúng bị suy giảm rất nhiều ở tất cả các vùng có phân bố tự nhiên. Ở Kon Tum, loài trắc hiện chỉ còn một quần thể cây trưởng thành mọc với mật độ cao ở Rừng đặc dụng Đắk Uy với tổng diện tích 546,24 ha trong đó có hơn 800 cây trưởng thành (đường kính > 20cm) và nhiều cây tái sinh; các khu vực khác hiện chỉ còn các cây tái sinh mọc phân tán. Quần thể trắc ở Gia Lai cũng đã suy giảm mạnh chỉ còn các cây tái sinh, cây nhỏ mọc phân tán, nhiều nhất là ở các khu rừng thuộc huyện Krông Pa; các cây trưởng thành với đường kính >20cm thì chỉ còn trong Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Ở tỉnh Đắk Lắk, các cây trắc có đường kính >20cm hiện chỉ còn ở trong rừng thuộc Vườn quốc gia Yok Đôn, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô, Rừng Phòng hộ Krông Năng nhưng cũng có mật độ rất thấp; các khu vực khác chỉ còn chủ yếu là cây tái sinh, mọc phân tán. Tại các khu vực điều tra, hiện tại mới chỉ có Kon Tum có chương trình bảo tồn cây trắc bằng việc thành lập khu rừng đặc dụng Đắk Uy để bảo tồn loài cây này và trong năm 2017-2018, tỉnh đã trồng bổ sung gần 4.500 cây trắc ở rừng đặc dụng Đắk Uy và 6.600 câyở một số khu vực khác ở trong tỉnh. Các tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk chưa có chương trình bảo tồn hay phục hồi nào cho loài này.

Tương tự như cây trắc, cẩm lai cũng là loài đang bị khai thác để làm gỗ gia dụng và mỹ nghệ, đặc biệt khi gỗ trắc đã cạn kiệt thì cẩm lai trở thành đối tượng bị khai thác chính. Ở 3 khu vực đã khảo sát, quần thể của loài cẩm lai cũng đã cạn kiệt, các quần thể cây trưởng thành chỉ có thể tìm thấy trong các Khu bảo tồn hay Vườn quốc gia xong cũng chỉ gồm các cây phân tán và với mật độ rất thấp. Ở Kon Tum, cẩm lai tự nhiên vẫn còn ghi nhận được ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray, rừng đặc dụng Đắk Uy và một số cây phân tán trong các khu rừng phòng hộ khu vực Đắk Tô, Đắk Hà và Ngọc Hồi; ở Gia Lai, cẩm lai còn ghi nhận ở Kon Chư Răng, Kon Ka King, và một số khu rừng phòng hộ ở huyện Krông Pa, Chư Păh; ở Đắk Lắk, cẩm lại còn được ghi nhận ở khu vực Yok Đôn, Ea Sô, và Chư Yang Sin và một số quần thể nhỏ mọc phân tán ở các khu rừng phòng hộ trong tỉnh. Khác với trắc, hiện tại chưa có các hoạt động phục hồi nào được thực hiện cho loài cẩm lai. Các tỉnh cũng chưa đưa hai loài cây này vào danh sách các loài bản địa trong các chương trình trồng rừng ở địa phương.

Rất ít các hoạt động nhân giống cho hai loài cây này, qua khảo sát chỉ có một cơ sở nhân giống là Trung tâm Lâm nghiệp Nhiệt đới (Gia Lai). Cá biệt có một số gia định ở khu vực Krông Pa có bảo vệ các cây trắc tái sinh trong rẫy của mình, xong đây cũng là các hoạt động tự phát và ở quy mô nhỏ.

Các Chi cục kiểm lâm cũng cho biết, hiện tại hoàn toàn không khai thác gỗ trắc hay cẩm lai từ rừng tự nhiên, nếu có chỉ là các hoạt động bất hợp pháp và cũng chủ yếu là lấy gốc và rễ của các cây đã khai thác trước đây còn sót lại với số lượng nhỏ. Tuy nhiên, với các áp lực khai thác và buôn bán gỗ trái phép như hiện tại, nếu không có các nỗ lực bảo vệ và phục hồi hiệu quả hơn thì hai loài cây gỗ có giá trị này cũng sớm bị mất ở các vùng phân bố tự nhiên của chúng.

Hình 1: Trắc mọc thuần loài ở Đắk Uy, Kon Tum. Ảnh: Lã Quang Trung/CCD

Hình 2: Trắc tái sinh tự nhiên ở Krông Pa, Gia Lai. Ảnh: Lã Quang Trung/CCD

Hình 3: Cây trắc nhỏ được ươm từ hạt ở Trung tâm Lâm nghiệp Nhiệt đới, Gia Lai. Ảnh: Lã Quang Trung/CCD

Hình 4: Cẩm lai tái sinh tự nhiên ở Yok Đôn, Đắk Lắk. Ảnh: Lã Quang Trung/CCD

Hình 5: Nhóm chuyên gia trao đổi với Ban quản lý Đắk Uy về tình hình bảo vệ và phục hồi cây trắc và cẩm lai. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà/CCD

Hình 6: Trắc tự nhiên ra hoa ở Yok Đôn, Đắk Lắk. Ảnh: Lã Quang Trung/CCD

Hình 7: Nhóm chuyên gia trao đổi với Ban quản lý Đắk Uy về tình hình bảo vệ và phục hồi cây trắc và cẩm lai. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà/CCD

Hình 8: Gốc cẩm lai thu giữ được từ các khoạt động buôn bán bất hợp pháp ở huyện Krông Pa, Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà/CCD

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên
và Phát triển

Đăng ký nhận tin

© 2021 Tất cả bài viết bản quyền CCD.