preloader
Hội thảo góp ý xây dựng Đề cương Đề án phát triển du lịch huyện Bình Liêu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
Ngôn ngữ :

Hội thảo góp ý xây dựng Đề cương Đề án phát triển du lịch huyện Bình Liêu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh gần đây là một điểm đến hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước vì vẻ đẹp hoang sơ và sự yên tĩnh đầy cuốn hút của núi, rừng vùng biên cương nơi lưng chừng Đông – Bắc. Những địa danh như thác Khe Vằn, sống lưng khủng long (mốc 1305), núi Cao Xiêm, núi Cao Ba Lanh, v.v. được rất nhiều người đến khám phá và trải nghiệm. Lượng khách đến với Bình Liêu ngày một tăng cao, do vậy có được chiến lược phát triển và quản lý du lịch bền vững trở thành một điều kiện cấp thiết. Thêm vào đó, việc quản lý để tạo cơ hội cho người dân địa phương tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch đang là vấn đề được chính quyền huyện Bình Liêu cũng như tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. Để hỗ trợ Bình Liêu định hướng phát triển và quản lý du lịch hiệu quả và bền vững hơn, ngày 22 tháng 1 năm 2021, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) đã phối hợp với huyện Bình Liêu tổ chức Hội thảo về xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội huyện Bình Liêu đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Hội thảo có sự tham gia rộng rãi của các đại diện từ các cơ quan khoa học, công ty du lịch, và các cơ quan quản lý như Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Huyện ủy Bình Liêu, Ủy Ban nhân dân huyện Bình Liêu cùng với các phòng, ban và các xã, thị trấn nơi có các hoạt động du lịch.

Hội thảo tập trung vào việc đánh giá tình hình phát triển và quản lý du lịch ở Bình Liêu, đánh giá các tiềm năng, cơ hội để phát triển du lịch huyện Bình Liêu. Thực tế, Bình Liêu có tiềm năng du lịch rất lớn, cả về cảnh quan và văn hóa nhưng chưa được khai thác phù hợp. Do vậy, trong 5-10 năm nữa nhiệm vụ của huyện và các xã sẽ cần làm gì để thực sự phát huy được các tiềm năng đó thông qua các mô hình du lịch mới, sáng tạo gắn với cộng đồng, góp phần giảm nghèo cho vùng miền núi.

Với vai trò là cơ quan hỗ trợ kỹ thuật, CCD đưa ra các định hướng và quan điểm phát triển du lịch phải theo hướng bền vững, gắn chặt vấn đề bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phát huy giá trị văn hóa, lấy cộng đồng làm trung tâm. Đặc biệt, du lịch ở Bình Liêu là du lịch vùng núi, do vậy du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái nên được chọn là mũi nhọn và là loại hình du lịch chủ đạo.

Bên cạnh Bình Liêu, CCD cũng đang hỗ trợ các địa phương khác và nhiều khu bảo tồn, các chủ rừng khác nhau thực hiện quy hoạch và xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái/ du lịch cộng đồng bền vững và du lịch có trách nhiệm. Các hoạt động du lịch đó sẽ được quy hoạch một cách chiến lược với các hướng dẫn thực hành tốt nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch có tính sáng tạo, có giá trị giáo dục, tạo sinh kế, thu nhập cho cộng đồng và góp phần tích cực vào mục tiêu nâng cao nhận thức của công chúng về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế ở các vùng miền núi và các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Ảnh 1. Chuyên gia của CCD trình bày tại hội thảo. Ảnh: Trang Le/CCD
Ảnh 2. Các đại biểu thảo luận, góp ý cho đề cương. Ảnh: Trang Le/CCD
Ảnh 3. Sống lưng khủng long (cột mốc 1305) đang là điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách. Ảnh: sưu tầm

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên
và Phát triển

Đăng ký nhận tin

© 2021 Tất cả bài viết bản quyền CCD.