preloader

CHỐNG SĂN BẮT, BUÔN BÁN ĐỘNG, THỰC VẬT HOANG DÃ VÀ TỘI PHẠM VỀ RỪNG

Việt Nam được biết là một trong các quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là nơi mà các loài hoang dã đang bị đe dọa và gặp nguy cơ tuyệt chủng cao nhất. Do tác động của săn bắn, phá hủy vùng sống, buôn bán bất hợp pháp đã làm nhiều loài động, thực vật quý, hiếm như Tê giác một sừng (Rhinoceros sondaicus), cò quắm lớn (Pseudibis gigantea), bò xám (Bos sauveli), rùa đầm mê kông (Batagur affinis) đã được coi là tuyệt chủng ở Việt Nam. Nhiều loài thú lớn khác như rùa hồ gươm (Rafetus swinhoei), voi châu á (Elephas maximus), hổ (Panthera tigris), các loài trong Họ mèo (Felidae spp.), các loài gấu (Ursus spp.), các loài tê tê (Manis spp.) cũng được coi là sớm bị tuyệt chủng nếu không có biện pháp bảo vệ kiên quyết và hiệu quả hơn.

Bên cạnh các hoạt động săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã, các hoạt động khai thác, buôn bán trái phép gỗ, các loài thực vật cũng gây những hậu quả tệ hại cho nhiều loài thực vật và rừng. Rất nhiều loài cây gỗ quý và thực vật đặc hữu như Lan Hài (Paphiopedilum), Lan kim tuyến (Anoectochilus) và nhiều cây thuốc quý đang bị tận diệt ở trong tự nhiên do việc khai thác, buôn bán trái phép. Nhóm gỗ quý như cẩm, trắc (Dalbergia) hiện đang là nhóm gỗ bị khai thác và buôn bán mạnh làm chúng bị biến mất ở phần lớn các vùng phân bố cũ và tiếp tục bị tận diệt ngay cả trong các khu bảo tồn.

Có được nhiều lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống giao thông thủy bộ, và giao thương tốt với các nước trong khu vực và các thị trường lớn vùng Đông Á cũng cho Việt Nam nhiều lợi thế phát triển. Tuy nhiên, lợi thế này cũng bị khai thác cho các hoạt động buôn bán bất hợp pháp động, thực vật hoang dã. Gần đây, các hoạt động buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã trở nên đặc biệt sôi động, khó quản lý hơn ở vùng Đông Á và Đông Nam Á. Cũng vì các hoạt động này Việt Nam hiện được biết đến là một trong các điểm quan trọng: vừa là nguồn cung cấp, vừa là nơi trung chuyển và là nơi tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã. Động, thực vật hoang dã được buôn bán trái phép qua Việt Nam gồm cả các loài được khai thác trong nước, ở khu vực Đông Nam A và Đông Phi. Các loài bị buôn bán cũng đa dạng, gồm các loài linh trường, gấu, tê tê, rùa, rắn, ngà voi, sừng tê giác, cá ngựa và vây cá mập và nhiều loài thủy/hải sản quý.

Hoạt động săn bắn, khai thác và buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã đang thực sự là một nguy cơ với thiên nhiên, sức khỏe của môi trường và cộng đồng. Đây cũng là một hồi chuông cảnh báo về tình trạng săn bắt, buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã tại Việt Nam. Hậu quả là các loài hoang dã đã, đang và sẽ bị tiêu diệt vùng sống, trong các mảnh rừng ít ỏi còn lại trong nước và trong khu vực. Vấn nạn này đòi hỏi cần có các hành động phải kiên quyết, nỗ lực hiệu quả hơn nữa để bảo vệ, bảo tồn, quản lý và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật tại Việt Nam. Chỉ có các nỗ lực mạnh như vậy mới ngăn chặn sự suy thoái và nguy cơ tuyệt chủng của các loài hoang dã, đồng thời quản lý được nguy cơ dịch bệnh từ động vật tới con người.

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) đang tích cực làm việc với các đối tác trong và ngoài nước nhằm thực hiện một cách tiếp cận tổng thể, liên ngành để hỗ trợ Việt Nam giải quyết vấn nạn săn bắn, khai thác và buôn bán bất hợp pháp động, thực vật hoang dã. CCD ưu tiên hợp tác và hỗ trợ các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan Tư pháp, thực thi pháp luật nhằm thực hiện các chương trình phòng, chống săn bắt, buôn bán và tiêu thụ trái phép hiệu quả hơn. CCD cũng thiết kế các chương trình hành động thông qua việc hợp tác với tất cả các đối tác có liên quan nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách và quy định; tăng cường hiệu quả thực thi; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và thông tin; và thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế.

Hiện tại, CCD đang thực hiện:

  • Chương trình điều tra, giám sát buôn bán các loài nguy cấp và giám sát các vùng/điểm nóng khai thác, buôn bán, tiêu thụ.
  • Hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho các cơ quan quản lý, thực thi pháp luật nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, phòng, chống buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép.
  • Thúc đẩy hợp tác giữa các bên nhằm tăng cường các nỗ lực chung và đồng bộ.
  • Thúc đẩy hoàn thiện chính sách, quản lý và nâng cao trách nhiệm giám sát, giải trình về quản lý, đấu tranh nhằm ngăn chặn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã.

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên
và Phát triển

Đăng ký nhận tin

© 2021 Tất cả bài viết bản quyền CCD.