preloader

VÙNG CẢNH QUAN BẢO TỒN ĐÁ VÔI PHÍA BẮC

Ngôn ngữ:

Giới thiệu

Vùng núi đá vôi phía Bắc (Karst) chủ yếu thuộc hai tỉnh Cao Bằng và Hà Giang, được hình thành từ cuối Đại Cổ sinh và đầu Đại Trung sinh do hoạt động kiến tạo địa chất mạnh mẽ đã nâng các trầm tích biển cổ đại biến chất cao lên một độ cao đáng kể so với mặt nước biển. Theo số liệu thống kê năm 2013, vùng núi đá vôi chiếm 32% diện tích tự nhiên của Cao Bằng chạy từ phía Bắc dọc theo biên giới Việt – Trung, vòng xuống phía Đông Nam của tỉnh, tập trung chủ yếu ở các huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Thông Nông, Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Uyên, Phục Hòa. Cao Bằng có địa hình rất phức tạp, gồm các hệ thống dãy núi đá vôi chia cắt mạnh với các đỉnh nhọn dạng tai mèo, gồ ghề lởm chởm cao thấp khác nhau, hang hốc tự nhiên nhiều. Xen kẽ các dãy núi là thung lũng hẹp với nhiều hình, nhiều vẻ khác nhau.

Điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều cùng với các đặc điểm địa chất, địa mạo đặc biệt đã mang lại cho Vùng núi đá vôi ở Cao Bằng giá trị đa dạng sinh học cao, tính đặc hữu lớn. Thực vật vừa nhiều về số lượng loài, bậc taxon, vừa có mật độ cao. Hệ thực vật của Cao Bằng có nhiều loại cây quý hiếm có giá trị kinh tế cũng như giá trị bảo tồn như các loài lan hài (Paphiopedilum spp.), Sồi trùng khánh (Quercus trungkhanhensis), Nghiến (Burretiodendron hsienmu)… Hệ động vật bao gồm nhiều loài đặc hữu, chỉ có thể tìm thấy được ở những vùng đá vôi, nhiều loài khác mới chỉ được nghiên cứu sơ bộ như khỉ mặt đỏ, vượn Cao vít, gấu ngựa, sơn dương, ….

Giáp với Cao Bằng là Hà Giang- một tỉnh miền núi biên giới ở cực bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Nằm trong khu vực vùng núi cao phía bắc lãnh thổ Việt Nam, Hà Giang là một quần thể núi non hùng vĩ, địa hình hiểm trở, có độ cao trung bình từ 800m đến 1.200m so với mực nước biển. Vùng cao phía bắc nằm trên địa bàn các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc với 90% diện tích là núi đá vôi đặc trưng còn được gọi là Cao nguyên đá Đồng Văn. Ngày 03/10/2010, Cao nguyên đá Đồng văn đã gia nhập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO với tên gọi Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Hà Giang có diện tích rừng tương đối lớn, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 345.860 ha, với nhiều loài động vật như báo gấm, voọc mũi hếch, gấu ngựa, khỉ…; và các loài thực vật quý, hiếm: Sa mu dầu – Cunninghamia konishii, Pơ mu – Fokienia hodginsii, Nghiến – Burretiodendron hsienmu, các loài ngọc lan – Magnolia spp., Bách vàng – Cupressus vietnamensis… Riêng Khu bảo tồn Thiên nhiên Tây Côn Lĩnh đã thống kê được 47 loài thú và 140 loài chim. Rừng đặc dụng Phong Quang (Vị Xuyên) được xếp vào hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên điển hình của hệ rừng núi đá vùng Đông Bắc Việt Nam. Rừng Hà Giang không chỉ gìn giữ những giá trị đa dạng sinh học quý báu mà còn đóng vai trò bảo vệ môi trường sinh thái đầu nguồn cho vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cùng với những tài nguyên và giá trị của mình, Hà Giang có tiềm năng trở thành điểm du lịch sinh thái lý tưởng ở phía Bắc Việt Nam.

Các mối đe dọa

Sinh cảnh vùng núi đá vôi phía Bắc đang đứng trước nguy cơ bị suy giảm chất lượng nghiêm trọng do các hoạt động của con người như chăn thả gia súc, canh tác nông nghiệp, canh tác dưới tán rừng và trong các thung lũng. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác gỗ và săn bắt trái phép vẫn diễn ra ngay cả bên trong các khu bảo vệ. Do địa hình hiểm trở nên việc thực hiện các hoạt động phục hồi rừng và bảo tồn loài gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, đời sống người dân địa phương còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên.

CCD đang làm gì?

Cảnh quan núi đá vôi rất đặc biệt và quan trọng nên CCD xác định đây là một trong những khu vực hoạt động chiến lược của Trung tâm. Để góp phần bảo tồn cảnh quan núi đá vôi phía Bắc và các giá trị ĐDSH tại đây, CCD đã và đang thực hiện các hoạt động nghiên cứu, các dự án bảo tồn loài động vật và thực vật như vượn cao vít, các loài lan đặc hữu. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đang triển khai các hoạt động du lịch cộng đồng nhằm hỗ trợ người dân địa phương phát triển sinh kế, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên.

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên
và Phát triển

Đăng ký nhận tin

© 2021 Tất cả bài viết bản quyền CCD.