preloader
THÔNG BÁO: Mời nhà làm phim tham gia Dự án sản xuất phim tài liệu Sinh thái
Ngôn ngữ :

THÔNG BÁO: Mời nhà làm phim tham gia Dự án sản xuất phim tài liệu Sinh thái

Về Dự án:

Do Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (CCD) và Four Paws Việt thực hiện.

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) và tổ chức phi chính phủ Four Paws Việt hoạt động chính trong lĩnh vực bảo vệ đa dạng sinh học và phúc lợi động vật. Để tiếp cận công chúng rộng rãi hơn, chúng tôi đang tìm cách hợp tác với các nhà làm phim tài liệu để kể những câu chuyện của mình thông qua những thước phim. Và Viện Goethe hỗ trợ cho sự hợp tác này.

Đối với nhà làm phim tài liệu tham gia đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu (đặc biệt là mục tiêu phát triển 15: Tài nguyên và môi trường trên đất liền), sự hợp tác này mang lại cơ hội tiếp cận gần hơn với các nhà hoạt động sinh thái, câu chuyện của tổ chức và các loài động thực vật mà chúng tôi quan tâm và bảo tồn.

Về Chủ đề của CCD:

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) là một tổ chức phi chính phủ của Việt Nam được thành lập từ năm 2017 với sứ mệnh là một trong những tổ chức tiên phong tại Việt Nam luôn cố gắng đảm bảo sự hài hòa giữa công tác bảo tồn và phát triển, gắn kết giữa con người với thiên nhiên, khôi phục và duy trì các giá trị của hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Các nhóm hoạt động chính của CCD

– Bảo tồn “Cảnh quan

  • Trồng rừng, khôi phục các khu vực rừng bị suy thoái với các loài cây bản địa tại Khu bảo tồn Xuân Liên (Thanh Hóa)
  • Hỗ trợ các đơn vị xây dựng các phương án, kế hoạch quản lý và sử dụng tài nguyên rừng một cách bền vững: tại Khu bảo tồn Xuân Liên (Thanh Hóa), Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai).

– Bảo tồn “Động vật”

  • Bảo tồn Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) tại khu vực núi đá vôi huyện Kim Bảng, Hà Nam:
  • Bảo tồn Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys) và Culi (Nycticebus bengalensis) tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Thanh Hóa

– Bảo tồn “Thực vật”

  • Bảo tồn các loài gỗ quý: Trắc (Dalbergia cochinchinensis Pierre) & Cẩm lai (Dalbergia oliveri Gamble x Prain) tại các Vườn quốc gia/Khu bảo tồn ở Việt Nam;
  • Bảo tồn loài lan hài hê-len (Paphiopedilum helenae Aver) tại huyện Trùng Khánh, Cao Bằng.

– Phát triển bền vững:

  • Tham gia xây dựng mạng lưới toàn quốc nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác, buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép, …
  • Thúc đẩy du lịch cộng đồng, cải thiện sinh kế tại Bát Xát (Lào Cai), Bình Liêu (Quảng Ninh), Tràng An (Ninh Bình), Xuân Thủy (Nam Định)

– Giáo dục môi trường:

CCD tổ chức các Chương trình trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa cho học sinh, sinh viên và các gia đình. Với hình thức truyền đạt thông tin một cách sáng tạo và thực tế, người tham gia có cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm các giá trị tự nhiên, phong tục và văn hóa bản địa tại các khu vực đặc trưng như Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát (Lào Cai), Khu di sản Tràng An (Ninh Bình), các cộng đồng dân tộc thiểu số tại Bình Liêu (Quảng Ninh).

– Các phương pháp và trang thiết bị được sử dụng:

  • Sử dụng flycam và ảnh viễn thám trong điều tra rừng, xác định biến động diện tích rừng tại các VQG/KBT
  • Sử dụng bộ công cụ SMART trong giám sát tài nguyên rừng tại Kim Bảng (Hà Nam) và Xuân Liên (Thanh Hóa)
  • Sử dụng máy thu phát sóng radio và bẫy ảnh (đặt các máy ảnh theo chế độ chụp tự động trong rừng) trong điều tra giám sát động vật để xác định số loài và số lượng cá thể của các loài trong khu vực bảo tồn (Xuân Liên, Thanh Hóa).

Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động bảo tồn:

  • Người dân tham gia vào các hoạt động điều tra, tuần tra, theo dõi, giám sát, bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm tại địa phương, có nguồn thu nhập tăng thêm từ việc nhận chi trả công khi tham gia các hoạt động của dự án.
  • Tham gia tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng để cải thiện, nâng cao sinh kế.
  • CCD hỗ trợ kết nối, quảng bá hình ảnh địa phương đến các tổ chức, doanh nghiệp để bán được sản phẩm địa phương, phát triển du lịch.
  • CCD là cầu nối để kết nối giữa các bên liên quan, đem tiếng nói và nguyện vọng của người dân đến gần hơn với các cấp quản lý và các nhà hoạch định chính sách.

Thông điệp truyền tải

Với những hoạt động và nỗ lực của CCD, các cộng đồng địa phương được cải thiện sinh kế theo hướng ổn định, các cán bộ quản lý các cấp được nâng cao năng lực, các đối tác và các nhà khoa học được gắn kết để cùng xây dựng những kế hoạch, chiến lược bảo tồn hiệu quả và thiết thực.

Thông qua dự án phim này, CCD kỳ vọng sẽ xây dựng được những thước phim có giá trị tuyên truyền, lan tỏa được thông điệp về bảo vệ môi trường, thiên nhiên. Đồng thời, những nỗ lực của CCD trong công tác bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững tại Việt Nam sẽ được chia sẻ, giới thiệu rộng rãi đến cộng đồng trong và ngoài nước. Điều này cũng sẽ tạo nguồn động lực để CCD có những đóng góp to lớn hơn nữa vào sự phát triển bền vững chung của đất nước.

Điều kiện tham gia

Các nhà làm phim phải đáp ứng các tiêu chí sau:

  • Ứng viên có quốc tịch Việt Nam và phải từ 18 tuổi trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ.
  • Ứng viên có kinh nghiệm kể chuyện thông qua một phương tiện trực quan.
  • Có trách nhiệm, cởi mở, có kỹ năng làm việc nhóm và giải quyết vấn đề tốt.
  • Nhận thức về môi trường làm việc khi sản xuất phim tài liệu với các Tổ chức Xã hội địa phương;
  • Tình trạng sức khỏe tốt.
  • Nhà làm phim hoặc đơn vị sản xuất phải có thiết bị cần thiết để sản xuất phim, kiểm soát ngân sách và biên tập đối với dự án được đề xuất.

Quyền lợi khi tham gia

Sau khi được chọn, các nhà làm phim sẽ nhận được:

  • Ngân sách 7.000 EUR (tương đương 185.000.000 VNĐ) đã bao gồm các loại thuế thu nhập cá nhân theo luật định để sản xuất phim tài liệu
  • Cơ hội mở giúp quảng bá sản phẩm của bạn trong một số nền tảng và các liên hoan phim trong nước và quốc tế
  • Tham gia các hội thảo đào tạo về nghệ thuật kể chuyện; làm phim bền vững và cách hòa nhập bản thân khi làm việc với các tổ chức xã hội tham gia và cộng đồng địa phương
  • Được hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành sản phẩm
  • Góp mặt trong sự kiện giới thiệu của chúng tôi để chia sẻ câu chuyện của bạn và hiển thị bản thân trước công chúng

Yêu cầu về chất lượng sản phẩm:

  • Số lượng: 01 phim dài tối thiểu 24 phút và tối đa 30 phút; và ít nhất 15 ảnh cho mục đích truyền thông
  • Phim chất lượng cao (ít nhất là độ phân giải Full HD)
  • Tôn trọng mọi người, sự thật và không có những câu chuyện bịa đặt
  • Sáng tạo trong cách kể chuyện
  • Bản quyền của các bộ phim thuộc về Viện Goethe và các Đối tác (bao gồm các Tổ chức Xã hội tham gia dự án và các nhà sản xuất phim)

Hồ sơ và Hạn nộp hồ sơ:

  • Vui lòng gửi hồ sơ đến kultur-hanoi@goethe.de trước 23:59, Thứ Sáu, ngày 24 tháng 11 năm 2021 với Tiêu đề: ECOFILM_Tên_Tên tổ chức bạn sẽ hợp tác (ví dụ, ECOFILM_NguyenLinhChi_CCD).
  • Tải đơn đăng ký [tại đây]
  • Sàng lọc và phỏng vấn hồ sơ: Sẽ được thực hiện cuốn chiếu đến cuối tháng 11.2021
  • Kết quả hồ sơ và đào tạo: Tháng 12 năm 2021
  • Thời gian sản xuất phim: Tháng 1 năm 2022 – tháng 8 năm 2022

Liên hệ

Mr. Tạ Quốc Trưởng – Điều phối viên Dự án

Email: truong.ta@ccd.org.vn

Về Viện Goethe

Viện Goethe là một tổ chức văn hoá của Cộng hoà liên bang Đức, hoạt động trên phạm vi toàn thế giới. Chúng tôi hỗ trợ việc phổ cập tiếng Đức ở nước ngoài và thúc đẩy sự hợp tác quốc tế về văn hoá.

Về Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển

Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (CCD) là một tổ chức phi chính phủ của Việt Nam hoạt động độc lập trong lĩnh vực nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững và thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển nhằm hài hòa giữa các vấn đề bảo tồn thiên nhiên và phát triển cộng đồng, giữa con người và sinh quyển ở Việt Nam.

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển

Đăng ký nhận tin

© 2021 Tất cả bài viết bản quyền CCD.