preloader
Một số ghi nhận mới về quần thể và hoạt động của Vượn đen má trắng ở khu bảo tồn Xuân Liên
Ngôn ngữ :

Một số ghi nhận mới về quần thể và hoạt động của Vượn đen má trắng ở khu bảo tồn Xuân Liên

Chương trình bảo tồn loài Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys) tại Việt Nam được Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (CCD) thực hiện tập trung ở hai khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Xuân Liên của tỉnh Thanh Hóa và KBTTN Pù Hoạt của tỉnh Nghệ An là một chương trình bảo tồn dài hạn nhằm bảo vệ và phục hồi quần thể của loài Vượn cực kỳ nguy cấp này ở các vùng phân bố cũ của chúng.

Tháng 12 năm 2019, CCD đã tổ chức hoạt động giám sát định kỳ lần thứ 4 ở KBTTN Xuân Liên. Khu vực được giám sát lần này là khu vực đã từng ghi nhận Vượn vào các năm 2011 và 2012 nhằm theo dõi sự biến động về số lượng đàn và số lượng cá thể sau 8 năm tại các điểm nghe LP 8, LP10, LP11 và một phần của LP15 đã thực hiện trong năm 2011. Kết quả giám sát cho thấy, ít nhất 16 đàn Vượn với khoảng 43 cá thể đã được xác nhận. So sánh với kết quả điều tra giai đoạn 2011-2012 trên cùng khu vực là 10 đàn với ít nhất 29 cá thể (Nguyễn và cs. 2012) cho thấy, số lượng đàn và cá thể Vượn ghi nhận năm 2019 tăng đáng kể với năm 2011.
Điều đặc biệt từ kết quả giám sát này là các đàn trong khu vực giám sát được ghi nhận chủ yếu ở kiểu rừng hỗn giao giữa các loài cây gỗ và tre nứa. Ghi nhận này cũng khác với các khu vực giám sát khác ở Xuân Liên khi Vượn chủ yếu được ghi nhận ở rừng nguyên sinh, chiếm ưu thế bởi các loài cây gỗ lớn. Thực tế, ghi nhận về hoạt động của Vượn đen má trắng cho tới nay vẫn chỉ nêu ở kiểu rừng gỗ lớn. Do vậy, ghi nhận này bổ sung và làm phong phú thêm thông tin về sinh cảnh cho loài Vượn đen má trắng.
Với đặc tính sinh sống theo lãnh thổ cố định, việc giám sát Vượn thông qua các điểm nghe cố định cho kết quả khá chính xác về xu hướng phát triển quẩn thể Vượn như tăng hay giảm. Kết quả giám sát trong năm 2019 cho thấy những dấu hiệu khả quan về sự phục hồi của quần thể Vượn đen má trắng ở KBTTN Xuân Liên, trong khi đó, loài Vượn này đang bị suy giảm ở hầu hết các khu vực khác. Sự phục hồi của quần thể Vượn ở KBTTN Xuân Liên cũng là chỉ số tốt về hiệu quả bảo vệ rừng và các nỗ lực bảo tồn mà KBTTN đang cùng với các đối tác thực hiện.
Kết quả giám sát lần này và các lần trước đó một lần nữa khẳng định Xuân Liên là một trong những khu vực bảo tồn quan trọng và hiệu quả nhất cho loài Vượn đen má trắng ở Việt Nam.

Hình 1: Đoàn điều tra Vượn tại khu vực suối Cát Trắng. Ảnh: Lò Văn Oanh/CCD
Hình 2: Sinh cảnh Vượn sinh sống tại khu vực suối Cát Trắng. Ảnh: Bùi Thanh Tùng/CCD
Hình 3. Tập hợp dữ liệu sau mỗi ngày điều tra. Ảnh: Bùi Thanh Tùng/CCD

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên
và Phát triển

Đăng ký nhận tin

© 2021 Tất cả bài viết bản quyền CCD.