preloader
Hội thảo Chia sẻ kết quả nghiên cứu phân bố và tham vấn báo cáo đánh giá không tổn hại (NDF) cho hai loài Trắc (Dalbergia cochinchinensis) và Cẩm lai (D. oliveri) ở Việt Nam
Ngôn ngữ :

Hội thảo Chia sẻ kết quả nghiên cứu phân bố và tham vấn báo cáo đánh giá không tổn hại (NDF) cho hai loài Trắc (Dalbergia cochinchinensis) và Cẩm lai (D. oliveri) ở Việt Nam

Các loài cây gỗ thuộc chi Trắc – Dalbergia, đặc biệt là hai loài Trắc (D. cochinchinensis) và Cẩm lai (D. oliveri) là những loài đang bị đe dọa tuyệt chủng ở Việt Nam.  Khai thác và buôn bán trái phép gỗ của hai loài này vẫn xảy ra ngay tại những nơi chúng được bảo vệ nghiêm ngặt nhất như trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Vì vậy, cần có các nỗ lực nhằm quản lý, bảo tồn và phục hồi quẩn thể Trắc và Cẩm lai. Để làm được như vậy, cần có các nghiên cứu chuyên sâu về phân bố, sinh thái và yêu cầu thổ nhưỡng của loài.

Trước nhu cầu cấp bách đó, trong năm 2019-2021, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (CCD) đã tiến hành các hoạt động nghiên cứu nhằm tìm hiểu vùng phần bố hiện tại, quần thể và tình trạng bảo tồn của hai loài Trắc và Cẩm lai tại Việt Nam. Hoạt động nghiên cứu tập trung nhất vào bốn khu vực được đánh giá là vùng bảo tồn quan trọng nhất đối với các loài này gồm Rừng đặc dụng Đắk Uy, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, Vườn Quốc gia Yok Đôn và Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Với mục đích chia sẻ các kết quả nghiên cứu và tham vấn về kế hoạch bảo tồn cũng như việc xây dựng Báo cáo đánh giá không tổn hại (NDF) cho loài Trắc và Cẩm lai ở Việt Nam, CCD đã tổ chức hội thảo tham vấn vào ngày 11 tháng 3 năm 2021. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia bảo tồn, đại diện từ các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ và các trường đại học. Nhóm nghiên cứu của CCD đã chia sẻ các đánh giá về phân loại học, những thông tin quan trọng về phân bố cũng như hiện trạng quần thể và các mối đe dọa tới hai loài cây gỗ nêu trên cùng một số khuyến nghị cho công tác quản lý, bảo tồn và phục hồi. Cũng tại hội thảo, CCD đã trình bày dự thảo báo cáo không tổn hại và dự thảo kế hoạch bảo tồn cho hai loài Cẩm lai và Trắc với những mục tiêu, hoạt động cụ thể cần được ưu tiên trong thời gian tới.

Hội thảo đánh giá cao các thông tin đã thu thập được và cũng khẳng định, đây là lần đầu tiên việc bảo tồn các loài cây gỗ trong nhóm Dalbergia được đưa ra thảo luận trong một hội thảo có sự tham gia đầy đủ của các bên. Ngoài ra, các đại biểu cũng đưa ra các góp ý về phương pháp và cách thể hiện kết quả nghiên cứu cũng như sự cần thiết của việc công bố thông tin trên các tạp chí và gửi kết quả nghiên cứu tới các cơ quan quản lý nhà nước. Những thông tin cập nhật này sẽ nêu lên sự hệ trọng của vấn đề bảo tồn nhóm loài Trắc, Cẩm lai và cần có các biện pháp bảo vệ, đầu tư cho việc bảo tồn và phục hồi. Dựa vào các  ý kiến đóng góp đó, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển sẽ bổ sung, chỉnh sửa các báo cáo và dự thảo kế hoạch bảo tồn và phục hồi quần thể cho loài Cẩm lai và Trắc.

CCD sẽ tiếp tục chương trình nghiên cứu và hỗ trợ việc bảo tồn loài Trắc, Cẩm lai và các loài thực vật nguy cấp khác thông qua hoạt động nâng cao năng lực cho các bên hữu quan, thúc đẩy các chương trình bảo tồn tại chỗ và chương trình phục hồi có hiệu quả ở các vùng phần bố của chúng.

Ảnh 1: Các đại biểu chụp ảnh tập thể. Ảnh: Lê Trang/CCD
Ảnh 2: Ông Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc CCD giới thiệu nội dung hội thảo và các vị đại biểu. Ảnh: Lê Trang/CCD
Ảnh 3: Đại diện nhóm nghiên cứu của CCD trình bày kết quả phân bố Trắc và Cẩm lai. Ảnh: Lê Trang/CCD
Ảnh 4: Đại biểu thảo luận trong giờ giải lao. Ảnh: Lê Trang/CCD

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên
và Phát triển

Đăng ký nhận tin

© 2021 Tất cả bài viết bản quyền CCD.